Xướng họa thơ trong thể thơ Đường Luật

Hoạ thơ là thú vui tao nhã của các cụ, cả xưa lẫn nay, trong những lúc trà dư tửu hậu, nhất là vào dịp xuân về. Thơ xướng hoạ có nhiều loại, nhưng được ưa chuộng nhất là thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú, cũng có khi là thơ cổ phong. Thời gian sau này có người xướng hoạ thơ lục bát, nhưng xem chừng thể thơ này không thích hợp nên thấy rất ít phổ biến. Ở đây xin hạn chế bài viết trong khuôn khổ xướng hoạ thơ Đường luật. 
Xướng họa thơ Đường Luật



Xướng họa thơ Đường Luật, ngoài là sự tiêu khiển, còn là trò chơi trí tuệ


Nghệ thuật chơi chữ, dùng chữ và tất nhiên mang tính văn học. Ngoài ra, nó cũng trở thành một phương tiện giao lưu, nối kết tình bằng hữu khắp nơi khiến cho cuộc sống của những người cao tuổi thêm ý vị, trong nhiều trường hợp cũng nhờ đó mà có cụ may mắn tìm được “nhuận bút cuối đời”, đỡ đơn côi, hiu quạnh trong lúc tuổi già khi có người chịu cùng mình “xướng hoạ”.
Nói đến Xướng họa thơ Đường Luật, tất nhiên trước tiên phải có xướng. Bài xướng mà hay dễ tạo cảm hứng cho người họa, và nhờ đó có nhiều bài thơ hay. Bài hoạ ngoài việc phải bắt buộc tuân thủ đúng các quy luật khắt khe của một bài thơ Đường Luật về niêm, đối, vận còn phải đáp ứng những yêu cầu sau:

1) Về hình thức :

Phải dùng lại đúng từ cuối cùng ở các câu 1, 2, 4, 6, 8 của bài xướng theo đúng thứ tự từ trên xuống, hoặc ngược từ dưới lên (gọi là hoạ ngược). Không được xáo trộn thứ tự các từ cuối ở các câu trên.

2) Về nội dung :

Bài thơ xướng họa phải cùng một chủ đề, một nội dung với bài xướng, đáp lại ý nghĩa của bài xướng, có thể biểu đồng tình hoặc phản đối với tư tưởng bài xướng nhưng phải cùng trong chủ đề mà bài xướng đã nêu như GS Dương Quảng Hàm đã nói trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu.
Thiếu một trong hai yêu cầu đó thì không phải là bài hoạ. Vì thế chúng tôi nhận thấy có nhiều bài gọi là họa mà không cùng chủ đề với bài xướng thì chỉ là mượn vần mà thôi chứ không phải là bài họa.
Trong văn học sử Việt nam, có lẽ chúng ta đều biết bài xướng “Tôn Phu Nhân Quy Thục” của cụ Tôn Thọ Tường, và bài họa của cụ Phan Văn Trị nói lên chính kiến đối lập của mình, quả là kỳ phùng địch thủ, xứng đáng ở địa vị bậc nhất tiêu biểu cho thơ xướng hoạ trong thi đàn nước ta. Bài hoạ của cụ Phan đã thoả mãn đầy đủ 2 yêu cầu trên. Chúng ta cùng thưởng thức lại những nét tinh hoa của hai bài thơ ấy.

Bài Xướng
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng 
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông 
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc 
Về Hán trau tria mảnh má hồng 
Son phấn thà cam dày gió bụi 
Đá vàng chi để thẹn non sông 
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn 
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng 

Bài Hoạ
Cài trâm xóc áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Ngút toả trời Ngô ùn sắc trắng 
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất 
Một gánh cang thường nặng núi sông 
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết 
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng

Nét sáng tạo,hóm hỉnh


Có những bài họa trong nhiều trường hợp cũng rất hóm hỉnh, sâu sắc đem lại cho người đọc những nụ cười thoải mái. Đọc những bài thơ như vậy sau những giờ làm việc mệt nhọc để xả bớt stress, thiết tưởng chẳng khác gì uống được…mười thang thuốc bổ. Chúng ta cùng thưởng thức câu chuyện vui sau đây với các bài Xướng họa thơ Đường luật cũng rất ư là…tuyệt chiêu! (Trích trong Thế Giới Thơ Đường, do nhà thơ Tường Linh kể)
Ngày xưa có một tay chánh tổng nuôi một con gà thật béo, định ngày mai làm thịt nhậu một bữa đã đời. Nào ngờ đêm đó con gà đã bị bắt trộm. Lão chánh tổng sáng mai phát hiện, rất tức giận, nhưng để chứng tỏ ta đây không những có thế lực mà còn là tay ăn học chữ nghĩa đầy người khiến cho tên trộm phải tâm phục, khẩu phục, tự đem gà lại trả, lão bèn làm một bài thơ rồi dán trước cổng nhà cho thiên hạ nể mặt. Bài thơ như sau:

Bài xướng

Đêm qua tao mất trộm con gà
Ai bắt thì mau khá thả ra
Đứa lớn bảo ban cùng đứa bé
Đàn ông khuyên nhủ với đàn bà
Thả ra thì được chồng gần vợ
Không thả e rằng con mất cha
Nuôi nấng bấy lâu tao mới tiếc
Coi chừng tiếng xấu sẽ đồn xa!

Sáng hôm sau lúc ra cổng, lão sững sờ khi thấy một bài thơ họa của ai đó dán bên cạnh bài thơ của lão:

Bài họa

Đêm qua tao bắt trộm con gà
Bắt được ngu gì lại thả ra
Đứa lớn vặt lông cùng đứa bé
Đàn ông xẻ thịt với đàn bà
Phao câu béo ngậy chồng nhường vợ
Cổ cánh thơm giòn con kính cha
Nuôi nấng chi đâu tao phải tiếc
Gà gần bắt hết tới gà xa!


Bài xướng họa "Mất trộm gà" sau khi được phổ nhạc

Đọc bài hoạ trên chúng ta không khỏi phục tài hoạ thơ của gã ăn trộm, nhưng tài…chôm gà thì đáng…cho ăn đòn dù đó là gà của ai đi nữa.Chúng ta thấy rằng chỉ thơ Đường mới có được cái đặc tính xướng hoạ độc đáo này, và đó cũng là một trong những lí do làm cho thơ Đường vẫn đầy sức sống, tồn tại và phát triển song song với các dòng thơ mới, thơ trẻ qua bao nhiêu thế hệ. 

Học giả Nguyễn Hiến Lê đã có một nhận xét rất hay khi nói rằng niêm, luật trong thơ Đường không làm cản trở sức sáng tạo, mà trái lại còn làm cho bài thơ có một vẻ đẹp và quý phái riêng của nó. Đọc các bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, hay gần đây của Quách Tấn, và ngày nay có Đinh Vũ Ngọc (được giới thơ Đường tặng cho danh hiệu là Ông Hoàng Thơ Đường) chúng ta cảm nhận được ngay điều ấy và không khỏi cảm phục thi tài của họ vì làm thơ Đường luật mà sao vẫn phóng khoáng, tự do, và thong dong đến thế, có thấy bị gò bó trong luật thơ đâu.


Tóm lại có 2 cách họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận

1. HỌA HẠN VẬN:

Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước, không được thêm bớt. Hạn có nghĩa là hạn chế. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận này khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo, do đó, ta phải:

- Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.

- Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định mà người ta đưa ra cho mình.

Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:

a. Ðầu đề (nội dung) là:

"Trống treo ai dám đánh thùng

Bậu không ai dám dở mùng chun vô".

b. Năm vần hạn định theo thứ tự là:  xô - cô - vô - ô - rô.

Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu, như sau:

Nào phải là ai dám giục xô

Thuận tình trước hết tự nơi cô

Có cho mới dám trao dùi đánh

Không hẹn nào ai đẩy cửa vô

Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa

Ham vui quên hết chuyện dâm ô

Thói hư thuần thước xưa còn lạc

Đừng học làm chi giống nhảy rô .

 

Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó, xin kể lại một câu chuyện như sau: Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đào Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:

- Đầu đề: Xuân Khuê

- Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ

- Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.

     Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

Xuân Khuê

Một mong hai đợi bốn ba chờ

Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ

Nửa gối năm canh gà gáy giục

Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa

Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ

Chín khúc bên lòng vạn mối tơ

Ngàn trượng thành sầu đo thước khó

Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ .

(Phan Mạnh Danh)

 

2. HỌA PHÓNG VẬN

       Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
Ví dụ:
Bài xướng

Kinh nghiệm móc cua

Chẳng hề đơn giản, cực kì chua
Có móc thì căn  phải đúng mùa
Tiết hạn xin đừng banh với ngó
Khô đồng chớ ngõi sục và khua
Cần canh nước ngập tha hồ bới
Ráng đợi cua ngoi thoải mái lùa
Ối bận tay nhàn, thương mẹ hĩm
Đâu đành ghé chợ mất tiền mua

Bài họa

Vợ bỗng dưng thèm món cáy chua
Ông khều ao đậm nhắm đang mùa
Vày hang khép dở toang hoang ngó
Vén cỏ lưng chừng toác hoác khua
Dại ngắm bành khe chàng mải bới
Khôn lòe háng dạng thiếp năng lùa
Thương nhau để sống cua phần hĩm
Những buổi quen mò đỡ phải mua

   Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.

  a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.

   b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.

    c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.

  d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được  người ta áp dụng  vì dễ làm .

Xướng họa thơ trong thơ ca nói chung và TĐường Luật là một nét đặc trưng của văn học.Cũng giống như mọi loại hình nghệ thuật khác như ca dao,câu đối,hát đối và để các bạn trẻ dễ hiểu thì nó tượng tự như trong Battle rap.

Đăng nhận xét