Ngày xưa, văn chương của ta nói chung, được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm và bị ảnh hưởng rất lớn bởi văn chương Trung Hoa, ngay cả trong văn chương thi cử (văn cử tử) là những lối văn, thơ, phú đều theo quy cách cố định và bắt buộc trong trường thi.
Văn chương thành văn dùng trong thi cử nước ta bao gồm hai thể loại văn và thơphú.
I- TỔNG QUÁT VỀ VĂN
- Văn gồm hai thể: cổ thể và biền văn
1/ Cổ thể là loại văn xuôi, không vần, không đối gần giống như văn xuôi ngày nay.
2/ Biền văn (biền: sóng đôi) cũng là loại văn xuôi, không nhất thiết có vần, nhưng bắt buộc phải có đối. Biền văn có hai thể là đối ngẫu và biền ngẫu.
a/ Đối ngẫu, gồm hai vế hoặc hai đoạn đối nhau cả ý lẫn chữ
- Đối ý: Tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng đôi nhau
- Đối chữ: Đối cả thanh và loại chữ (loại trong quốc ngữ là tự loại)
-Thanh: bằng đối với trắc, trắc đối với bằng (có khi một vài chữ trong câu hay cả câu phải đối nhau tùy theo thể văn) (*)
(*) (Sẽ nói rõ về thanh bằng, trắc ở phần "thanh hay âm" trong phần 2viết về "thơ phú")
-Loại: Ngày xưa chia ra chữ thực tự (chữ nặng) và hư tự (chữ nhẹ), thực đối với thực, hư đối với hư. Ngày nay theo quốc ngữ là tự loại, động từ đối với động từ, danh từ đối với danh từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ ...
{Ghi chú: Nói riêng về câu đối, số chữ trong câu đối không nhất định, dài ngắn bao nhiêu cũng được. Tùy theo số chữ và cách đặt câu, câu đối có thể chia ra các thể sau: Câu tiểu đối (bốn chữ trở xuống), câu đối thơ (theo thể thơ ngũ ngôn hay thất ngôn), Câu đối phú (theo lối đặt câu của phú), câu song quan (6 chữ trở lên, 9 chữ trở xuống), câu cách cú (mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn một đoạn dài, đoạn nào đặt trên cũng được), câu gối hạc hay hạc tất (mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên)
Thí dụ câu đối hạc:
Gia hiếu tử, quốc trung thần, công liệt chiến đan thanh, ninh chỉ lưỡng hồi an xã tắc;
Văn kinh thiên, vũ bát loạn, anh linh tham khí hóa, thượng lưu trung cổ điện sơn hà.
(Câu đối ở đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo)
Dịch nghĩa:
Làm con hiếu, làm tôi trung, công lớn chói sử xanh, không chỉ hai lần yên đất nước;
Nào văn hay, nào võ giỏi, anh linh trùm cõi tục, vẫn còn muôn thuở giúp non sông}
b/ Biền ngẫu, những câu văn đối nhau song song từng đôi một. Câu có thể dài hay ngắn. Tùy theo tính chất của bài văn, thể biền ngẫu được dùng trong hịch, cáo, chế, chiếu, biểu, kinh nghĩa, văn sách.
Biền ngẫu lại có hai thể: biền ngẫu cổ thể và biển ngẫu cận thể.
*/ Biền ngẫu cổ thể: cổ thể là thể xưa, ý nói từ thời Đường trở về trước, chỉ yêu cầu hai vế đối nhau, dài ngắn bao nhiêu chữ cũng được, thậm chí hai vế đối nhau dài ngắn có thể chênh nhau vài chữ.
*/ Biền ngẫu cận thể hay "tứ lục": cận thể là gần đây, ý nói có từ thời Đường trở về sau, theo khuôn khổ quy định chặt chẽ, vừa phải tuân theo luật đối vừa tuân theo số chữ trong mỗi vế,
- Cách đặt câu cận thể hay "tứ lục":
Cứ hai câu đối nhau gọi là hai vế. Mỗi vế chia làm hai đoạn (hay nhịp), hoặc đoạn trên 4 chữ, đoạn dưới 6 chữ nên được gọi là thể "tứ lục" 4/6, hoặc đọan trên 6 chữ, đoạn dưới 4 chữ tức 6/4. Và để câu có thể uyển chuyển hơn, vế không nhất thiết phải là 10 chữ mà có thể là 8 chữ, 12 chữ, 11 chữ nên có thể chia thành những đoạn 4/4, 6/6, 7/5, 4/7 gọi là "tứ lục biến cách".
Thí dụ:
Sớm chiều lo sợ, một lòng kính cẩn ban đầu; (4/6)
Công việc thi hành, trăm mối tính lo cất nhắc. (4/6)
(chiếu của vua Minh Mạng khuyên thần dân lúc đầu năm)
Đủ điều bại hoại nghĩa nhân, chẳng còn trời đất, (6/4)
Thẳng cánh vén bòn thuế má, nhẵn sạch núi đầm. (6/4)
(Bình Ngô Đại Cáo- Nguyễn Trãi)
- Niêm trong "tứ lục",niêm nghĩa đen là dính, là sự liên lạc về âm luật bằng, trắc của hai đoạn văn. Trong lối tứ lục hai đoạn được gọi là niêm với nhau khi nào chữ cuối mỗi đoạn cùng một luật, nghĩa là hoặc cùng bằng-bằng, hoặc cùng trắc-trắc (thành ra bằng niêm với bằng và trắc niêm với trắc) theo thứ tự sau:
Chữ cuối đoạn thứ nhất là bằng
Chữ cuối đoạn thứ hai là trắc
Chữ cuối đoạn thứ ba là trắc
Chữ cuối đoạn thứ tư là bằng
Chữ cuối đoạn thứ năm là bằng
Vân vân ...
Đoạn thứ hai và thứ ba niêm với nhau vì cùng trắc; đoạn thứ tư niêm với đoạn thứ năm vì cùng bằng, ...
Hay:
Chữ cuối đoạn thứ nhất là trắc
Chữ cuối đoạn thứ hai là bằng
Chữ cuối đoạn thứ ba là bằng
Chữ cuối đoạn thứ tư là trắc
Chữ cuối đoạn thứ năm là trắc
Vân vân ...
Đoạn thứ hai và thứ ba niêm với nhau vì cùng bằng; đoạn thứ tư niêm với đoạn thứ năm vì cùng trắc, ...
Thí dụ 1:Trích đoạn bài "Bình Ngô Đại cáo" (bản hán văn) của Nguyễn Trãi
" ... Khi thiên võng dân (B), quỷ kế cái thiên vạn trạng (T), (4,6)
Liên binh kết hấn (T), nẫm ác thùy nhị thập niên (B). (4/6)
Bại nghĩa không nhân (B), kiền khôn cơ hồ dục tức (T), (4/6)
Trọng tuế hậu liễm (T), sơn tặc võng hữu hoặc di (B). (4,6)
Khai kim trường tắc mạo lam chướng (T), nhi phủ sơn đào sa (B), (7/5)
Thí minh châu tắc xúc giao long (B), nhi tham giang thỗn hải(T) ..." (7/5)
Dịch nghĩa:
( ... Dối trời lừa người (B), kế gian đủ muôn nghìn khóe (T),
Đông binh gâyhấn (T), ác chứa gần hai chụcnăm (B).
Đủ điều bại hoại nghĩa nhân (B), chẳng còn trời đất (T),
Thẳng cánh vén bòn thuế má (T), nhẵn sạch núi đầm (B).
Xông pha lam chướng để khai mỏ vàng (B), đào núi đãi cát (T),
Chọi với giao long để mò ngọc châu, lặn biển dò sông ...)
Thí dụ 2:
Sớm chiều lo sợ (T), một lòng kính cẩn ban đầu (B); (4/6)
Công việc thi hành (B), trăm mối tính lo cất nhắc(T). (4/6)
(Chiếu của vua Minh Mạng khuyên thần dân lúc đầu năm)
Đủ điều bại hoại nghĩanhân (B), chẳng còn trời đất (T),(6/4)
Thẳng cánh vén bòn thuếmá (T), nhẵn sách núi đầm (B). (6/4)
(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)
Thể biền ngẫu được chia thành các thể nhỏ dùng trong:
- Hịch, cáo (có tính cách chính trị) (hịch: kể tội quân thù để khích lòng dân; cáo: tuyên bố cho dân biết)
- Chế, chiếu, biểu (Có tính cách hành chính)
- Kinh nghĩa, văn sách (có tính chất khảo thí, thi cử)
II- VĂN THI CỬ
Có thể chia làm ba thể loại: văn chương, văn sách và văn luận.
- Văn chương mang tính cách khoa trương như loại văn dùng trong kinh nghĩa, phú.
- Văn sách (hay sách vấn) và văn luận (hay luận), cả hai thuộc loại văn nghị luận dựa trên những vấn đề lịch sử, văn hóa, chính trị, phép trị nước, kể cả Tứ thư hay Ngũ kinh. Văn sách phải trả lời từng câu một cho một một loạt câu hỏi của đề bài; văn luận thì triển khai một vấn đề duy nhất.
1/ Kinh nghĩa
Kinh nghĩa là một bài văn giải thích ý nghĩa của một hay nhiều câu trích trong bộ kinh Tứ Thư hoặc Ngũ Kinh của Nho gia, bởi thế cũng gọi lối ấy là "tinh nghĩa", (tinh là làm rõ ra). Làm kinh nghĩa là dựa vào chính văn trong kinh truyện, dựa vào lời cổ nhân trong sách cổ mà diễn giải, giải thích rộng ra thành một bài chứ không phải tự làm mới.
(kinh nghĩa nếu diễn giải Tứ Thư hay Ngũ Kinh; bài truyệnnếu chỉ diễn giải Tứ Thư)
Phép làm bài kinh nghĩa:
Loại văn này phải làm theo thể biền văn tức văn xuôi, câu sóng đôi và có đối. Thể kinh nghĩa phải theo khuôn phép riêng, có 7 đoạn mạch theo thứ tự: Phá đề, thừa đề, khởi giảng, khai giảng, trung cổ, hậu cổ và kết cổ.
- Phá đề, giải qua nghĩa đầu bài, tức trình bày ngắn về chủ đề
- Thừa đề, bắt đầu vào lời người xưa nói, tức khai triển ngắn gọn của phá đề
- Khởi giảng, khai mào mở rộng đầu bài, tức dẫn vào phần thân bài
- Khai giảng, vào bài có hai vế đối nhau, cuối đoạn có một câu
"hoàn đề" láy lại câu đầu bài.
- Trung cổ, hai vế đối nhau giải thích thực nghĩa đầu bài
- Hậu cổ, hai vế đối nhau và bàn tán rộng ý trong bài
- Kết cổ, cũng có hai vế đối nhau tóm tắt các ý trong bài lại. Cuối
cùng có một câu "thúc đề" thắt chặt bài là hết.
Có 15 lối làm bài kinh nghĩa tùy theo câu hỏi của đề bài. Thí sinh đọc từng câu hỏi, phải hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi là một chuyện, sau đó phải biết phân định sẽ phải trả lời câu hỏi đó theo lối nào cho đúng theo quy tắc thông thường, và đó cũng là một trong những mấu chốt cần biết khi làm bài văn kinh nghĩa. Trong 15 lối làm bài kinh nghĩa gồm:
đơn cú, điệp cú, tiệt thượng, tiệt hạ, hư mạo, lưỡng phiến, tam phiến, tháp tiệt, ký sự, tị hứng, lưỡng tiệt, khô quẫn, cổn tác, đoạn lạc, tràng đề.
(Nên nhớ, trong các lối văn dùng trong khoa cử thì kinh nghĩa cốt xem học trò có thuộc và hiểu nghĩa của các kinh không? Nhưng phải làm theo thể thức riêng, thay lời người đời xưa giải thích sao cho đúng ý của cổ nhân chứ không được bày tỏ ý kiến riêng và lời phẩm bình của mình)
Thí dụ:
Một trích đoạn bài kinh nghĩa làm mẫu theo thể biền ngẫu.
(Trong "Việt Nam văn Học Sử Yếu" -Dương Quảng hàm)
Bài văn nôm của Lê Quý Đôn viết theo thể kinh nghĩa với đề tài "Mẹ ơi con muốn lấy chồng". Sau đây là trích đoạn con gái tâm sự với mẹ:
. . .
Nói nhỏ tình riêng cùng mẹ, muốn sao muốn quá thế vậy...
Tuổi bằng này mà không vẫn hoàn không, lỡ bước quá long đong sao, hả mẹ?...
Ôi buồng hương lạnh lẽo, tuy đã có áo đơn lồng áo kép, sao bằng da nọ ấp da kia, phỏng con mà già kén kẹn hom, quá mù ra mưa, lờ đờ trông bóng trăng chi quạ.
Mà duyên phận vuông tròn, thì sum vầy cành trúc tựa cành mai, ríu rít tiếng cầm pha tiếng sắt, phỏng con chẳng có tình rình bụi, lỡ ra tha bước, lênh đênh trôi mặt nước chi bèo.
Nghĩ nguồn cơn phàn nàn cái số, nông nỗi này mẹ đã thấu cho chưa?
. . .
2/ Chế, chiếu, biểu
Chế, chiếu, biểu là những thể văn hành chính trong triều đình. Thời trước nhà Đường, văn loại này viết theo văn xuôi "cổ thể", nhưng sau nhà Đường trở đi lại chuộng thể văn "tứ lục" tức "biền ngẫu cận thể". Trong thi Hương và thi Hội đều có một kỳ dành cho loại văn này.
a/ Chế, là lời vua ban khen khi phong thưởng cho công thần, thường gọi là "chế văn" hay "chế sắc" (trong đó chế là lời vua ban, sắc là lời vua phong thưởng cho các quan và bách thần).
b/ Chiếu, là lời vua ban hiệu lệnh cho thần dân về một việc gì thuộc triều đình hay quốc gia. Vậy khi làm văn chiếu là thay lời nhà vua, lối văn phải nghiêm trang, đĩnh đạc và có điển tích.
c/ Biểu, là lời thần dân dâng lên vua, để chúc mừng gọi là "biểu hạ", để tạ ơn được phong thưởng gọi là "biểu tạ", hay để bày tỏ nguyện vọng, cầu xin, bày tỏ lòng trung thành, lòng biết ơn.
Phép làm văn biểu. Lối văn biểu phải nhất mực cung kính, khiêm tốn. Làm biểu dâng lên vua phải theo khuôn phép.
3/ Văn sách
Sách nghĩa là mưu lược. Văn sách là một bài văn làm để trả lời những câu hỏi của đầu bài, thí sinh phải tận dụng kiến thức về kinh điển Nho gia và mưu lược, kế sách của mình.
Văn sách thường viết theo lối cổ thể, văn xuôi không vần không đối; hay viết theo thể biền văn, văn xuôi không vần nhưng có đối.
Tùy theo cách ra đầu bài, văn sách có hai tiểu thể: chế sách và thí sách.
a/ Chế sách hay còn gọi là văn sách đạo, đầu bài ra ngắn. Đề thi thường đem nguồn gốc trị loạn cổ kim, và những điều hay dở đang thi hành về vấn đề thời sự để hỏi. Thí sinh phải vận dụng kiến thức của mình mà bày tỏ, đối đáp nên gọi là đối sách. Đề thi thường hỏi một cách bao quát, rộng rãi và nếu không phải người học rộng thông suốt sách vở kim cổ thì không thể làm bài nổi.
Đề thi chế sách ở thi Hương và thi Hội do quan văn được vua ủy quyền soạn gọi là ngự đề. Đề thi chế sách ở thi Đình do vua tự ra gọi là Hoàng thượng chế sách. Bài văn sách của thí sinh thi Đình làm gọi là bài văn Đình đối.
b/ Thí sách còn gọi là văn sách mục, đầu bài ra thật dài, đem một hoặc nhiều vấn đề ra mà hỏi. Trước hết nêu lên một câu phủ đầu bao quát cả ý nghĩa đề bài gọi là đề án, rồi ở dưới dẫn các lời trong kinh truyện và các việc trong lịch sử có liên lạc đến đề mục mà hỏi; cuối cùng hỏi một vài câu về thời sự cũng thuộc về đề tài ấy.
Trong một đề thí sách có đến vài mươi mục, mỗi mục có đến ba bốn đoạn sách nên gọi là văn mục sách. Mục đích là để cho những người "học tủ" chỉ chuyên về một kinh hay một thư nào đó thì không thể suy diễn được; và cũng để tránh những người học rộng, thông suốt kinh thư sẽ không bị kiến thức rộng mà trả lời phù phiếm.
Loại văn này có thực dụng, nhưng cũng phải là người có kiến thức nhiều, học thức rộng mới làm được những bài văn có giá trị.
Cách làm bài thí sách, hoặc thí sinh chỉ nhớ được những điều đã được truyền thụ, không đẽo gọt mà viết ra gọi là xạ sách; hoặc thí sinh lấy kiến thức của mình mà bày tỏ đối đáp gọi là đối sách. Lắm khi trong đầu bài, câu nọ hỏi chằng qua câu kia, lúc làm bài, hoặc theo thứ tự các câu hỏi mà trả lời, hoặc đảo lên đảo xuống, liệu cách mà gỡ lần sao cho lời đáp khỏi thiếu ý mà cũng đừng thừa ý.
Trong thi Đình, để phân hạng tiến sĩ, thí sinh phải làm cả hai bài "xạ sách và "đối sách"
Phép làm văn sách nói chung, cần phải cãi lại đầu bài, đầu bài hỏi ra giọng chê thì mình phải khen; đầu bài hỏi ra giọng khen thì mình phải chê. Ấy là nói về tiểu tiết. Còn về đại thể, thì với cổ nhân bao giờ cũng khen, và với hậu nhân, bao giờ cũng chê. Vì vậy các cụ có câu rằng:
Đường, Ngu, Tam đại thì khen,
Hán, Đường trở xuống thì nèn cho đau.
Nếu đề bài hỏi về Bắc sử (Trung Hoa) thì từ Hán Văn Đế và Đường Thái Tông trở xuống tức trở lại đây đều là hậu nhân, tất nhiên phải lèn cho đau. Nếu không tức là trái mẹo.
Thể chế sách (đề bài ngắn) thường thấy ở thời Lê Sơ và Lê-Mạc. Đến thời Lê Trung hưng, từ đời Lê Thế Tông (1578-1599) trở về sau lại thiên dùng thể thí sách (đề bài dài)
Thơ - PhúCuối đời Đông Châu, Khuất Nguyên ở bên Trung Hoa có bày ra điệu Ly Tao, ở giữa hay cuối câu ta thường gặp chữ "hề". Nó mở đầu cho một thể thơ của Trung Hoa thời cổ xưa.
Rồi lần lượt mãi sau, mới có một lối thơ, hình thức thuần thục hơn, hạn định hơn, người ta gọi là cổ thi, cổ thể hay là cổ phong.
Rồi mãi tới đầu Đường có thi sĩ Lý Bạch đặt ra nhiều bài thơ có âm điệu hay, nhà vua mới cho một nhóm quan văn lựa điệu, chọn âm theo thơ Lý Bạch, đặt ra luật nhất định gọi là Đường luật. Thơ Đường luật phát xuất ra từ đấy.
Tóm lại thơ Trung Hoa du nhập vào nước ta gồm hai thể thơ chính dùng trong thi cử:
- Thể thơ Đường luật, hay cận thể (gần đây), theo vần, đối, luật và niêm của Đường luật.
- Thể cổ phong, hay cổ thể (từ xưa) có trước thời nhà Đường, không theo niêm, luật.
Mỗi thể có hai loại:
- Mỗi câu có 5 chữ gọi là thơ ngũ ngôn
- Mỗi câu có 7 chữ gọi là thơ thất ngôn
- Mỗi bài có 4 câu gọi là thơ tứ tuyệt
- Mỗi bài có 8 câu gọi là thơ bát cú
Riêng thể cổ phong số câu có thể thay đổi hoặc 8 hoặc 6 hoặc 12 câu và những bài thất ngôn nào dài quá 8 câu, ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là "trường thiên" hoặc "hành".
I- THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Thể thơ Đường luật đã trở thành thể thơ thi cử của nước ta từ cuối đời Trần. Năm 1396, vua Trần Thuận Tông quy định thể lệ thi Hội "tứ trường", trong đó có kỳ đệ nhị (kỳ 2) thí sinh phải làm một bài thơ Đường luật và một bài phú. Các khoa thi Tiến sĩ ở thời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng đều lấy thơ Đường luật để thi.
Thơ Đường luật gồm nhiều dạng, nhưng có bốn dạng chính:
-Ngũ ngôn bát cú tức 5 chữ 8 câu
-Ngũ ngôn tuyệt cú tức 5 chữ 4 câu
-Thất ngôn bát cú tức 7 chữ 8 câu
-Thất ngôn tuyệt cú tức 7 chữ 4 câu
Trong thơ Đường, dạng thức thất ngôn bát cú là dạng thức thông dụng.
Trong lối thơ Đường luật, dù ở dạng thức nào đều có 5 điều phải lưu tâm: vần, đối, luật, niêm và cách bố cục.
1- Vần
Trước khi nói về vần ta cũng nên biết về thanh hay âm
a/ Thanh hay âm
Tiếng Việt là tiếng đơn âm, dựa theo chữ quốc ngữ bây giờ, có tiếng chỉ có 6 thanh, có tiếng có tới 8 thanh.
- Tiếng có 6 thanh, tùy thuộc vào 6 dấu như: không dấu, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng. Những thanh này gồm những tiếng (chữ) có một, hai hay ba nguyên âm ở sau cùng.
Thí dụ:
-ma, mà, mã, mả, má, mạ
-đôi, đồi, đỗi, đổi, đối, đội,
-muôi, muồi, muỗi, muổi, muối, muội.
- Tiếng có 8 thanh là những tiếng có một hoặc hai phụ âm ở đằng sau, cộng thêm 2 thanh của dấu sắc và dấu nặng và có những phụ âm c, ch, p, t sau cùng.
Thí dụ:
- Tiếng "thiên" có 8 thanh âm gồm: thiên, thiền, thiễn, thiển, thiến, thiện, thiết, thiệt (cuối là t)
- Hay tiếng "tinh" có 8 thanh âm gồm: tinh, tình, tĩnh, tỉnh, tính, tịnh, tích, tịch (cuối là ch).
b/ Thanh bằng và thanh trắc
Tám thanh chia ra làm hai loại: bằng và trắc.
- Bằng, chữ Nho là bình, có hai thanh, là những thanh mà âm phát ra bằng phẳng đều đều gồm những tiếng viết thành chữ quốc ngữ có dấu huyền và không dấu.
- Trắc, có 6 thanh còn lại của 8 thanh sau khi bỏ đi hai thanh bằng. Đó là những thanh khi âm phát ra hoặc tự thấp lên cao, hoặc tự cao xuống thấp. Gồm những chữ quốc ngữ có dấu ngã, hỏi, sắc, nặng, và hai thanh theo quy định dấu sắc và dấu nặng có những phụ cuối cùng là những chữ c, ch, p, t.
c/ Vần
*/ Vần, chữ Nho là vận, là những tiếng thanh âm đặt một cách hòa hợp vào hai hoặc nhiều câu thơ để hưởng ứng nhau.
*/ Cách gieo vần
-Thơ Đường luật dùng vần bằng, ít khi lắm mới dùng vần trắc. Có ý kiến, thật ra thơ Đường luật chỉ dùng vần bằng chứ không dùng vần trắc. Những bài thơ người ta gọi lầm là thơ Đường luật vần trắc chỉ là lối thơ cổ phong được làm bằng cách dùng thơ Đường luật đổi ra vần trắc chứ không phải thơ Đường.
-Suốt bài thơ Đường luật chỉ theo một vần, gọi là độc vận, và vì gieo vần vào chữ cuối câu 1, 2, 4, 6, 8 nên gọi là cước vận.
Thí dụ:
Chơi Núi An Lão
1. Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, (v)
2. Đây hồn Thục Đế thác bao giờ. (v)
3. Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
4. Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. (v)
5. Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
6. Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. (v)
7. Ban đêm ròng rã kêu ai đó,
8. Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ. (v)
(Nguyễn Khuyến)
- Để xét vần gì, chỉ cần xét chữ cuối ở trong câu gọi là cước vận hay túc vận.
- Nếu vần đó là chữ thuộc thanh âm bằng thì gọi là bình vận.
- Nếu vần đó là chữ thuộc thanh âm trắc thì gọi là trắc vận.
Các nhà thơ sử dụng thường là vần bằng, rất ít khi dùng vần trắc. Năm thanh trắc này phải tránh trùng vận, nếu trùng âm thì phải khác nghĩa.
- Nếu vần được gieo giữa 2 câu liền kề nhau thì gọi là liên vận.
Thí dụ:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ (câu số 1)
Đây hồn Thục Đế thác bao giờ (câu số 2)
- Nếu vần gieo giữa câu này và câu kia phải bị cách một câu chèn giữa như các câu số chẳn 2-4, 4-6, và 6-8 bởi những câu lẻ 3,5,7 thì gọi là cách vận.
Thí dụ:
Đây hồn Thục Đế thác bao giờ (câu số 2)
. . . (câu số 3)
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ (câu số 4)
- Nếu gieo sai vần thì gọi là lạc vận.
Thí dụ:
1. Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
2. Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
. . .
(Thu Vịnh-Nguyễn Khuyến)
- Nếu gieo vần không sát gọi là cưỡng vận (ép vần).
2- Đối (Đối ngẫu)
Đối là đặt hai câu đi song đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Vậy trong phép đối, vừa phải đối ý, vừa phải đối chữ. Đối chữ thì phải để ý tới đối cả về thanh lẫn thể loại. Với chữ quốc ngữ ngày nay phải kể đến tự loại như phải đồng là tĩnh từ, danh từ, động từ . . . đối với nhau.
Thí dụ:
Lắt lẻo cành thông cơn gió giật
Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo
(Hồ Xuân Hương)
Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân xiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
(Khóc vợ - Nguyễn Khuyến)
a/ Các phép đối (được phân loại theo nhà thơ Quách Tấn). Gồm 6 loại: (*)
*/ Phép chỉnh đối: Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
(dưới núi đối với bên sông)
(Bà Huyện Thanh Quan)
*/ Phép tá tự đối: Đây là phép đối tiếng (chữ)
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
(trống đối với chuông)
(Trần Tế Xương)
*/ Phép bất đối chi đối: Không đối tự loại mà đối ý.
Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
(Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)
*/ Phép đối lưu thuỷ: Ý câu dưới tiếp ý câu trên vì một mình câu trên không đủ nghĩa.
Thôi về bãi biển cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
(Nguyễn Khuyến)
Tổng đốc vì thương người bạc mạng
Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan
(Tản Đà)
*/ Phép Cú Trung Đối:Còn gọi là tiểu đối. Tự đối nhau trong từng câu. Câu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối. Hai câu đều tự đối.
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau không
(Nguyễn Khuyến)
(Lấy của đối với đánh người. Xương gà đối với da cóc)
Chim trời cá nước duyên ai đó
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi
(Tản Đà)
(Chim trời đối với cá nước. Vía dại đối với hồn khôn)
*/ Phép giao cổ đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với từng nhóm hay từng chữ của câu dưới
Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao.
(Trần Tuấn Ngọc)
(Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
- đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới)
b/Luật đối trong thơ bát cú:
Những câu phải đối trong thơ bát cú, kể cả ngũ ngôn lẫn thất ngôn, trừ hai câu đầu và hai câu cuối, còn 4 câu giữa đối với nhau từng cặp,
-Câu 3 đối với câu 4 (3.4)
-Câu 5 đối với câu 6 (5,6)
Thí dụ:
Bạn Đến Nhà Chơi
1- Đã bấy lâu nay bác đến nhà,
2- Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa.
3- Ao sâu nước cả, khôn chài cá, (Đối)
4- Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. (Đối)
5- Cải mới ra cây, cà chửa nụ, (Đối)
6- Bầu vừa rụng dốn, mướp đương hoa. (Đối)
7- Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
8- Bác đến chơi đây ta với ta.
(Nguyễn Khuyến)
Thằng Mõ
1- Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
2- Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
3- Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi, (Đối)
4- Kim thah rền rĩ khắp mọi nơi. (Đối)
5- Trẻ già thảy thảy đều nghe lệnh, (Đối)
6- Làng nước ai ai phải cứ lời. (Đối)
7- Trên dưới quyền hành tay cất đặt,
8- Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
(Lê Thánh Tông)
3- Luật bằng trắc
(Dựa theo tài liệu về thơ Đường luật trong cuốn "Việt Thi" của Trần Trọng Kim và cuốn "Văn Học Việt Nam" của Dương Quảng Hàm).
a/ Luật
Luật thơ Đường là cách sắp đặt tiếng bằng, tiếng trắc trong các câu của một bài thơ thành khuôn mẫu hay công thức một cách chặt chẽ đã được định sẵn.
Có hai luật, luật bằng và luật trắc:
-Hễ chữ thứ hai câu thơ đầu tiên là thanh bằng thì bài thơ theo luật bằng
-Hễ chữ thứ hai câu thơ đầu tiên là thanh trắc thì bài thơ theo luật trắc
Nói cách khác:
- Luật bằng là luật thơ chữ thứ hai câu đầu tiên bài thơ là thanh bằng
- Luật trắc là luật thơ chữ thứ hai câu đầu tiên bài thơ là thanh trắc
Trong các bảng luật được liệt kê dưới đây,
- Những chữ "B" thay tiếng bằng và chữ "T" thay cho tiếng trắc
- Chữ "v" thay cho tiếng vần
- Những chữ in đậm (bold) là những tiếng phải theo đúng luật
- Những chữ thường (không đậm) thì theo đúng luật hoặc không theođúng luật cũng được dựa theo lệ "bất luận" (sẽ nói sau).
- Chữ màu đỏ cho luật
- Chữ màu xanh cho vần
Luật trong thơ Ngũ ngôn bát cú (5 chữ, 8 câu)
*/ Luật Bằng vần Bằng
-1: B B T T B (v)
- 2: T T T B B (v)
- 3: T T B B T
- 4: B B T T B (v)
- 5: B B B T T
- 6: T T T B B (v)
- 7: T T B B T
- 8: B B T T B (v)
Tự trào
Phong lưu tính đã quen,
Thằng tôi há chịu hèn.
Bạc mở vung tấn tấn,
Rượu đánh tít cù đèn.
Trên trời đứt dây xuống,
Dưới đất chật nẻ lên.
Ao ước còn toan những,
Có tiền dễ mua tiên.
(Khuyết danh)
*/Luật Bằng vần Trắc
-1: B B B T T (v)
- 2: T T B B T (v)
- 3: T T T B B
- 4: B B B T T (v)
- 5: B B T T B
- 6: T T B B T (v)
- 7: T T T B B
- 8: B B B T T (v)
Mùa Hạ
Tháng tư đầu mùa Hạ,
Tiết trời thực oi ả.
Tiếng dế kêu thiết tha,
Đàn muỗi bay tơi tả.
Nỗi ấy biết cùng ai,
Cảnh nầy buồn cả dạ.
Biếng nhắp năm canh chầy,
Gà đà sớm giục giả.
(Khuyết danh)
*/ Luật Trắc vần Bằng
-1: T TT B B (v)
- 2: B B T T B (v)
- 3: B B B T T
- 4: T T T B B (v)
- 5: T T B B T
- 6: B B T T B (v)
- 7: B B B T T
- 8: T T T B B (v)
Thu Giang
Một thức nước in trời,
Đò ai chiếc lá khơi.
Non xanh cao chót vót,
Dòng nước chảy đầy vơi.
Mảng khúc Thương lang hát,
Ưa tình lữ khách chơi.
Mong cho yên sóng gió,
Qua lại mặc người đời.
(Khuyết danh)
*/ Luật Trắc vần Trắc
- 1: T T B B T (v)
- 2: B B B T T (v)
- 3: B B T T B
- 4: T T B B T (v)
- 5: T T T B B
- 6: B B B T T (v)
- 7: B B T T B
- 8: T T B B T (v)
Ngày Tết
Nhớ tưởng vào ngày Tết,
Cứ ăn cữ nói chết.
Cơm canh dọn đủ đầy,
Bánh trái chưng không hết.
Cha mẹ hân hoan nhiều,
Cháu con làm chết mệt.
Vui vầy bày cuộc chơi,
Pháo chuột nổ xì xẹt.
(Khuyết danh)
Luật trong thơ Thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu)
*/ Luật Bằng Vần Bằng
-1: B B T T T B B (v)
- 2: T T B B T T B (v)
- 3: T T B B B TT
- 4: B B T T T B B (v)
- 5: B B T T B BT
- 6: T T B B T T B (v)
- 7: T T B B B TT
- 8: B B T T T B B (v)
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ dưa vèo.
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến)
*/ Luật Bằng Vần Trắc
- 1: B B T T B B T (v)
- 2: T T B B B T T(v)
- 3: T T B B T T B
- 4: B B T T B B T (v)
- 5: B B T T T B B
- 6: T T B B B T T (v)
- 7: T T B B T T B
- 8: B B T T B B T (v)
Ghẹo cô hàng nước
Bán hàng nay cô đã mấy tuổi,
Nước cô còn nóng hay là nguội?
Lủng lẳng trên treo dăm nắm nem,
Lơ thơ dưới móc một chuồng chuối.
Bánh rán bánh dày đều xoa mỡ,
Khoai ngứa khoai lang cũg chấm muối.
Ăn uống xong rồi tiền chưa đủ,
Biết nhau cho chịu một vài buổi.
(Nguyễn Quỳnh)
*/ Luật Trắc vần Bằng
- 1: T T B B T T B (v)
- 2: B B T T T B B (v)
- 3: B B T T B BT
- 4: T T B B T T B (v)
- 5: T T B B B TT
- 6: B B T T T B B (v)
- 7: B B T T B BT
- 8: T T B B T T B (v)
Qua đèo Ngang
Bước tới đèo ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
(Bà Huyện Thanh Quan)
*/ Luật Trắc vần Trắc
- 1: T T B B B T T (v)
- 2: B B T T B B T (v)
- 3: B B T T T B B
- 4: T T B B B T T (v)
- 5: T T B B T T B
- 6: B B T T B B T (v)
- 7: B B T T T B B
- 8: T T B B B T T (v)
Đến làng Tam Chế
Bóng ác non đoài ban xế xế,
Bỗng đâu đã tới miền Tam Chế.
Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam,
Chận ngắt đỉnh non lồng bóng quế.
Chợ họp bên sông gẫm có chiều,
Thuyền bày trên đất xem nhiều thế.
Cảnh vật bằng đây họa có hai,
Vì dân khoan giản bên tô thuế.
(Lê Thánh Tôn)
b/ Thất luật
Một câu thơ đặt sai luật là không dựa trên khuôn mẫu quy định của luật đã nêu trên. Phải luôn tuân thủ luật bằng, trắc. Trong một câu thơ chữ nào đáng đặt tiếng bằng mà đặt tiếng trắc, hoặc ngược lại, đáng đặt tiếng trắc mà đặt tiếng bằng thì gọi là thất luật, không được.
c/ Bất luận và khổ độc
*/ Bất luận: Cứ như theo đúng những khuôn mẫu quy định của luật bằng trắc thì rất khó làm nên có lệ bất luận, nghĩa là trong câu thơ có một vài chữ không cần phải đúng luật.
Như:
-Trong bài thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba (1,3) không cần đúng luật tức "nhất, tam"bất luận
-Trong bài thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm (1,3,5) không cần đúng luật, tức là "nhất, tam, ngũ"bất luận.
Thí dụ:
- Bất luận trong bài thơ ngũ ngôn "Luật Bằng vần Bằng"
- 2: TTTB B (v)
- 3: TTBB T
- 4: BBTT B (v)
- 5: BBBT T
- 6: TTTB B (v)
- 7: TTBB T
- 8: BBTT B (v)
- Bất luận trong bài thơ thất ngôn bát cú "Luật Bằng Vần Bằng"
-1: BBTT TB B (v)
- 2: TTBB TT B (v)
- 3: TTBB BTT
- 4: BBTT TB B (v)
- 5: BBTT BBT
- 6: TTBB TT B (v)
- 7: TTBB BTT
- 8: BBTT TB B (v)
*/ Khổ độc: Những chữ có thể thay đổi theo lệ bất luận trong câu thơ, chữ đáng trắc đổi thành bằng thì bao giờ cũng được, ngược lại chữ đáng bằng mà đổi thành trắc, trong vài trường hợp không được vì sự thay đổi ấy trở nên khó đọc nên gọi là khổ độc.
Như:
-Trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn, và chữ thứ ba của tất cả các câu lẻ, đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc (1 chẵn, 3 lẻ).
-Trong bài thơ thất ngôn, chữ thứ ba của các câu chẵn, và chữ thứ năm của các câu lẻ, đáng bằng mà đổi ra trắc là khổ độc (3 chẵn, 5 lẻ).
Thí dụ:
- Khổ độc trong bài thơ ngũ ngôn "Luật Bằng vần Bằng"
-1: B B T T B (v)
- 2: T T T B B (v)
- 3: T T BB T
- 4: BB T T B (v)
- 5: B B BT T
- 6: T T T B B (v)
- 7: T T BB T
- 8: BB T T B (v)
- Khổ độc trong bài thơ thất ngôn bát cú "Luật Bằng Vần Bằng"
-1: B B T T T B B (v)
- 2: T T BB T T B (v)
- 3: T T B B BTT
- 4: B B T T T B B (v)
- 5: B B T T BBT
- 6: T T BB T T B (v)
- 7: T T B B BTT
- 8: B B T T T B B (v)
4- Niêm
Niêm nghĩa đen là dính với nhau, là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài thơ Đường luật.
a/Hai câu thơ niêm với nhau
- Khi chữ thứ hai của hai câu cùng theo một luật, hoặc là cùng bằng, hoặc là cùng trắc, nghĩa là bằng niêm với bằng, trắcniêm với trắc theo từng cặp đôi "nhất bát, nhị tam, tứ ngũ, lục thất" tức những câu (1,8), (2,3), (4,5), (6,7).
Thí dụ:
Niêm của bài thơ thất ngôn bát cú "luật bằng vần bằng". (Để ý đến vần bằng trắc của chữ thứ hai trong hai câu niêm với nhau).
-1: B B T T T B B (v)
- 2: T T B B T T B (v)
- 3: T T B B B T T
- 4: B B T T T B B (v)
- 5: B B T T B B T
- 6: T T B B T T B (v)
- 7: T T B B B T T
- 8: B B T T T B B (v)
Câu 1 niêm với câu 8
Câu 2 niêm với câu 3
Câu 4 niêm với câu 5
Câu 6 niêm với câu 7
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Tam Nguyên Yên Đỗ - Nguyễn Khuyến)
Cái chổi
Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai,
Cho làm lệnh tướng quét trần ai.
Một tay vùng vẫy trời tung gió,
Một cõi tung hoành đất sạch gai.
Ngày vắng, rủ mây cung bắc-Hán,
Đêm thanh, tựa nguyệt chốn lâu đài.
Ôm lòng gốc rễ, lâu càng dãi.
Mòn mỏi lâu còn một cái đai.
(Lê Thánh Tôn)
b/Thất niêm: Bài thơ không theo đúng niên luật thì gọi là thất niêm, không được
5- Bố cục
Một bài thơ bát cú gồm bốn phần: Đề, thực, luận và kết.
*/ Đề gồm 2 câu gọi là phá thừa
-Câu 1, gọi là phá đề, nói rõ cái đề tài để người đọc hiểu ngay mình muốn nói về cái gì
- Câu 2, gọi là thừa đề, nối ý câu phá để nói cho rõ thêm ý của câu phá đề
*/ Thực gồm 2 câu gọi là cặp trạng
- Hai câu 3 và 4 giải thích đầu bài cho rõ ràng thêm ra.
- Câu sau phải đối với câu trước
*/ Luậngồm 2 câu gọi là cặp luận
- Hai câu 5 và 6 bàn luận rộng ra, hoặc khen, chê, so sánh ... và có thể dùng điển cố để giải thích, biện luận cho hết ý của đầu bài.
- Câu sau phải đối với câu trước
*/ Kết gồm 2 câu gọi là thúc kết
- Hai câu 7 và 8 tóm tắt hết ý nghĩa của bài thơ. Có khi còn khuyên, trách, mừng giận, hỏi . . .
Cấu trúc của bài thơ Đường như ở trên được tóm tắt trong bài thơ sau:
Câu đầu nói trổng việc gần xa,
Câu thứ đề bài phải chỉ ra.
Trạng kể căn do cho đích xác,
Đối khai thượng hạ chớ sai ngoa.
Luận bàn mọi thứ thêm minh bạch,
Trên dưới hai câu cũng xứng hòa.
Sau kết vài lời cho hợp ý,
Nên bài phong hóa dạy người ta.
(Hồ Ngọc Cẩn)
Thí dụ:
Đề miếu bà Trương
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
(Lê Thánh Tông)
[TÓM LƯỢC những thành phần trong bài thơ Đường (thất ngôn bát cú)
*/ Luật vềVần
-Trong một bài thơ thất ngôn bát cú, vần, thường là vần bằng, ít khi dùng vần trắc, được gieo ở cuối câu đầu và cuối những câu chẵn, tức là những câu 1, 2, 4, 6, 8. Suốt bài thơ chỉ gieo một vần gọi là độc vận, gieo vào cuối câu gọi là cước vận.
*/ Luật về Đối
Hai cặp câu 3,4 và 5, 6 bắt buộc phải đối với nhau
*/ Luật bằng, trắc
Trong thơ Đường luật, có luật bằng và luật trắc
-Hễ chữ thứ hai trong câu thơđầu tiên là thanh (tiếng) bằng thì bài thơ theo luật bằng
-Hễ chữ thứ hai trong câu thơđầu tiênlà thanh (tiếng) trắc thì bài thơ theo luật trắc
Bài thơ dù theo luật bằng hay luật trắc gồm hai quy định:
Quy định hàng ngang gọi là Luật:
-Những chữ 1,3,5 được tự do (nhất, tam, ngũ bất luận, những chữ bất luận
đáng là bằng mà đổi thành trắc gọi là khổ độc vì khó đọc)
-Những chữ 2,4,6 phải đúng theo luật (nhị, tứ, lục phân minh) không được đổi.
Quy định hàng dọc gọi là Niêm
-Bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc
-Niêm, theo chữ thứ hai trong mỗi câu, và theo từng cặp (1,8),(2,3),(4.5),(6,7)
Sai về Luật gọi là thất luật. Sai về Niêm gọi là thất niêm. Cả hai đều không được.
*/ Bố cục hay cấu trúc
Một bài thơ bát cú gồm bốn phần, mỗi phần hai câu: Đề, thực, luận và kết]
6- Thơ tứ tuyệthay tuyệt cú
Là loại thơ có 4 câu.
a/ Thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) ngắt ra từ thơ bát cú
Đây là thơ bốn câu, tứ là bốn, tuyệt là đứt hay ngắt. Lối thơ này gọi là tứ tuyệt vì nó được ngắt ra từng bốn câu thơ lấy từ bài thơ bát cú Đường luật.
Có nhiều cách ngắt để trở thành những bài thơ tứ tuyệt.
- Ngắt ra 4 câu đầu (câu 1,2,3,4), gồm 2 câu đầu không đối và hai câu cuối có đối, gọi là khai thừa song hợp. Tương tự với hai cặp câu (1,2 và 5,6).
- Ngắt ra 4 câu cuối (câu 5,6,7,8), gồm 2 câu đầu có đối và 2 câu cuối không đối, gọi là song khai chuyển hợp.
- Ngắt ra 4 câu giữa (câu 3,4,5,6), gồm hai câu đầu có đối và hai câu cuối cũng có đối nhau, gọi là song khai song hợp.
- Ngắt ra lấy hai câu đầu và hai câu cuối (câu 1,2,7,8), gồm hai câu đầu và hai câu cuối, đều không có đối, gọi là tuyền thủ thuận lưu.
Thí dụ:
-Khai thừa song hợp (bốn câu đầu) hoặc (hai câu đầu và hai câu 5,6)
Dệt vải
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt, (đối)
Gót vàng giậm đạp máy âm dương. (đối)
(Lê Thánh Tông)
-Song khai chuyển hợp(bốn câu chót)
Tặng sách
Chung Tử gò Nam còn thấy mặt,(đối)
Bá Nha đàn Việt phải ra tay. (đối)
Còn non còn nước còn tương ngộ,
Tích cổ duy kim mới rỡ mày.
(Diên Hương)
- Song khai song hợp (hai câu giữa)
Tự cảm
Gió đưa dương liễu cành cành nguyệt, (đối)
Cụm tỏa ngô đồng lá lá sương. (đối)
Thuyền mọn năm canh người Bãi Hán, (đối)
Địch dài một tiếng khách Tầm Dương.(đối)
(Phan Thanh Giản)
- Tuyền thủ thuận lưu (hai câu đầu và hai câu cuối cùng-không đối)
Cái pháo
Xác không, vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi.
Kêu lắm, lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
(Nguyễn Hữu Chỉnh)
Xét ra thì dùng dạng nào thì cũng lấy từ thơ bát cú mà ngắt ra nên thơ tứ cú gọi là tuyệt cú hay tứ tuyệt.
b/ Bố cục hay cấu trúc, tương tự như thơ bát cú
- Câu đầu, gọi là câu đề, để nói rõ đầu đề.
- Câu thứ nhì, gọi là câu thực, miêu tả cụ thể.
- Câu thứ ba, gọi là câu luận, để bàn rộng hoặc khen chê.
- Câu thú tư, gọi là câu kết, để tóm tắt ý nghĩa của bài thơ.
7- Biến thể của thơ Đường
Có rất nhiều loại biến thể trong thơ Đường
- Phá lục: câu đầu 6 chữ, những câu sau 7 chữ như thường lệ
- Yết hậu: ba câu đầu đủ chữ, câu cuối cùng chỉ có một chữ "vận" (vần) mà thôi
- Thủ vĩ ngâm: Câu đầu và câu cuối giống nhau
- Thủ vĩ liên hoàn: câu "kết" (thúc kết) của bài 1 làm câu "phá" (phá đề) của bài 2; câu kết của bài 2 làm câu phá đề của bài 3; và tuần tự như thế cho đến hết thì lấy câu phá của bài 1 làm câu kết của bài chót.
Và còn nhiều loại biến thể khác nữa.
Thí dụ:bài thơ biến thể loại "Yết hậu"
- Anh nhè
Sống ở nhân gian đánh chén nhè,
Thác về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương mới hỏi: "mang gì đấy?"
Be!
- Giữa ban ngày sãi ghẹo vãi
Sãi ghẹo vãi:
Chùa vắng có ai mà!
Yêu nhau chút gọi là,
Rủ nhau ra hậu uyển,
ta …
Vãi mắng:
Lẳng lơ cái mặt như …
Cóc nhái cũng chẳng từ,
Tu hành đâu có thế!
hư!
Tiểu tăng dọa:
Hôm qua có chuyện hay,
Thầy ghẹo vãi ban ngày!
Bổn đồ không ai biết,
may!
Sãi van:
Chú tiểu thật là ngoan,
Chuyện thấy chớ nói càn!
Đêm rằm cho ăn oản,
van!
(Tác giả (?))
Thí dụ: bài thơ biến thể loại "Thủ vĩ ngâm"
- Khóc ông Phủ Vĩnh Tường
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi.
Chôn chặt văn chương ba tấc đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất?
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.
Hăm bảy tháng trời đâu mấy chốc,
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
(Hồ Xuân Hương)
II- THƠ CỔ PHONG
Thể thơ này có trước thơ Đường chỉ cần có vần, không cần đối, không cần theo niêm luật bằng trắc chặt chẽ, miễn sao đọc cho êm tai là được. Từ thời nhà Đường về sau vẫn được dùng, không theo Đường luật, hoặc nếu có thì chỉ một số câu theo luật mà thôi.
1/ Số chữ
Lối này chỉ có số chữ trong câu là nhất định, hoặc ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ); ngoài ra, không phải theo thể lệ chặt chẽ như lối Đường luật, nghĩa là không có niêm, luật, không phải đối (một câu đôi khi có đối là tùy theo người làm thơ chứ không bắt buộc).
2/Số câu
Không hạn chế số câu: cứ từ bốn câu trở lên, muốn làm dài ngắn bao nhiêu cũng được. Các thi gia cũng thường hay làm một bài 4 câu (tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú), nhưng cũng có bài làm 6 câu hoặc 12 câu.
Những bài thất ngôn nào dài quá 8 câu, và ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là trường thiên hoặc hành.
3/ Cách gieo vần
- Hoặc có thể cả bài dùng nguyên một vần tức độc vận (như lối thơ Đường)
- Hoặc dùng nhiều vần tức liên vận. Khi dùng liên vận thì:
- hoặc mỗi hai câu mỗi đổi vần tức mỗi cuối câu mỗi hạ vần,
- hoặc mỗi bốn câu đổi dùng một vần như lối thơ tứ tuyệt. Mỗi khi đổi
vần, câu thứ nhất hoặc có gieo vần hoặc không gieo vần cũng được
Thể thơ cổ phong đã dùng trong thi cử thời nhà Lý. Thời nhà Trần cũng vậy, trong kỳ thi có bài "ngũ ngôn trường thiên". Ngũ ngôn trường thiên cũng được ra thi ở những khoa Đông các thời Hậu Lê.
Thí dụ:
*/ Ngũ ngôn cổ phong
- Ngũ ngôn tứ tuyệtđộc vận
Qui tiều
Rừng lau gió xao xác,
Chim hôm bay lác đác.
Gánh củi lững thững về,
Đường quen không sợ lạc.
(Bùi Ưu Thiên)
- Ngũ ngôn tứ tuyệt liên vận (cứ 4 câu đổi một vần)
Điền gia lạc (vui cảnh làm ruộng)
Năm ngoái ruộng được mùa,
Nhà ta bốn cót thóc.
Ăn tiêu hãy còn thừa,
Bán cho con đi học.
Năm nay trời hạn hán,
Mười phần thu được ba.
Ăn tiêu đang lo thiếu,
May ra được mùa cà.
Con học không có tiền,
Cha phải đi vay nợ.
Nhà nghèo con học được,
Còn hơn tiền chôn lỗ.
(Bùi Ưu Thiên)
- Ngũ ngôn bát cú
Đêm mùa hạ
Tháng tư đầu mùa hạ,
Tiết trời thật oi ả!
Tiếng dế kêu thiết tha,
Dàn muỗi bay lả tả.
Nỗi ấy biết cùng ai?
Cảnh này buồn cả dạ!
Biếng nhắp năm canh chày,
Gà đã sớm dục dã
(Nguyễn Khuyến)
*/ Thất ngôn cổ phong
- Thất ngôn độc vận
Tửu hữu (6 câu)
Hôm qua có bạn, rượu lại hết,
Hôm nay có rượu, bạn không biết.
Cất đi đợi bạn đến lúc nào,
Cùng uống cùng vui trời đất tít.
Khi say quên cả ta là ta,
Còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt.
(Bùi Ưu Thiên)
- Thất ngôn liên vận (10 câu)
Cảnh tạo hóa
Đá xanh như nhuộm, nước như lọc,
Cỏ cây hoa lá dệt như vóc.
Trời quang mây tạnh gió đìu hiu,
Ai thấy cảnh này mà chẳng yêu.
Mới biết hóa công tay không vẽ,
Không mực không thuốc mà đủ vẻ.
Tay người điểm xuyết ra nước non,
Bể cạn non bộ nhỏ con con.
Sao bằng tiêu dao cùng tạo hóa.
Bốn mùa phong cảnh thật không giá.
(Vô danh)
PHÚ
- Phú là loại văn học cổ điển của Trung Hoa có từ đời nhà Hán, du nhập vào nước ta từ đời nhà Đường, được dùng trong thi cử từ thời nhà Lý và được đặt trong vị trí rất cao.
- Phú thuộc thể loại "bán thi bán văn" tức nửa thơ nửa văn, mang tính lưỡng thể trong văn chương cổ và được phát triển song hành cùng với các thể thơ và văn khác.
- Phú có nguồn gốc từ cổ thi và cổ văn, thiên về trữ tình, triết lý, nghị luận dựa trên ngôn từ có vần và nhịp điệu.
Bao gồm những điểmđặc biệt:
- Trước hết phú là tổng hợp cả vần (vận), đối (biền văn), và tản văn (văn xuôi không vần không đối).
- Về phong cách và thủ pháp, phú mang tính cách khoa trương, phô bày cái vẻ đẹp của sự vật, sự việc và chí khí. Chính sự khoa trương ấy đã làm nên vẻ đẹp của thể phú. Và, người làm bài văn phú có thể vận dụng được tối đa tri thức, điển cố để cho nội dung triết lý, nghị luận trở nên vững chãi, rõ ràng và thuyết phục cao; làm cho ý tưởng tương đồng hay tương phản có lý lẽ thêm sắc bén trong nghị luận, tình cảm thêm sâu đậm trong tình cảm.
- Nhằm tăng tính cách trữ tình, bài phú có thể chen vào những bài thơ ngắn gọi là "ca", cách gọi này để phân biệt thể phú và thơ.
- Một nét đặc biệt của phú là dùng những bài học lịch sử, thể nghiệm kim cổ đặt vào đoạn cuối bài nhằm để khuyên răn, đề bạt hay thỉnh nguyệt, dãi bày.
- Phú là thể loại văn chương thích hợp nhất để thể hiện thực tài và có khả năng thẩm định giá trị của những bậc đại tài. Như trường hợp Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong đời vua Trần Anh Tông. Trong khoa thi Thái Học Sinh năm 1304, do vì dáng người bé nhỏ và xấu xí nên vua không vừa lòng, không muốn bổ quan chức trong triều, Mạc Đĩnh Chi biết ý nên làm bài phú "Ngọc tỉnh liên phú" (Hoa sen trong giếng ngọc) để tự ví mình dâng lên vua, được vua khen, thấy ông có thực tài nên phong chức tước.