Sắc dục trong thơ của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương

Sắc dục được ngụ ý trong nhiều bài thơ tả vật và sự vật cũng như tả nhân vật và nhân sự của Hồ Xuân Hương. 

Những ngụ ý về sắc dục qua bộ phận sinh dục (dương vật, âm vật và nhũ hoa...) và sự giao hợp được diễn tả một cách khéo léo vì chúng là nội dung thứ nhì của bài thơ. Nội dung thứ nhất của bài thơ vẫn là mô tả đúng theo nghĩa đen của tựa đề của bài thơ về nhân vật, nhân sự, vật, cảnh vật và sự vật.
Sắc dục trong thơ Hồ Xuân Hương
 Sau Hồ Xuân Hương có nhiều thi sĩ thơ chữ Quốc ngữ cũng dùng những kỹ thuật như vậy để ngụ ý Sắc dục trong Thơ như là một nội dung thứ hai của bài thơ.

Những thi sĩ ở Miền Bắc:


Ba Giai tên thật là Nguyễn Văn Giai, một nhà thơ trào phúng vào đời vua Tự Đức. Ông là người làng Hổ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Đông). Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh học giỏi nhưng vì thời loạn lạc nên không đi thi mà chỉ sống cuộc đời phóng túng lãng mạn. Ông có tài làm thơ Hán Nôm nổi tiếng sự trêu cợt nên người đương thời đã có câu: "Thứ nhất Ba Giai, thứ nhì Tú Xuất". Ông là tác giả bài "Hà Thành Chính Khí Ca".

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) quê quán ở làng Khê Thượng huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây có núi Tản (Tản Viên) và sông Đà giang nên ông lấy bút hiệu là Tản Đà. Năm 1921, ông làm Chủ bút Hữu Thanh Tạp chí. Ông làm Thơ và dịch thuật. Ông mất tại Hà Nội vào ngày 17-6-1939.

Đạm Nguyên sinh năm 1906 tại làng Yên Đổ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Ông là con thứ Phó bảng Nguyễn Cúc Sơn và là cháu nội của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Phạm Ứng Thuần sinh năm 1885 ở làng Vị Xuyên huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định (cùng quê với Tú Xương). Ông có bút hiệu là Hiếu Khanh và còn được gọi là Cả Thuần.

Những thi sĩ ở Miền Trung.


Hương Thủy sinh năm 1911 tại làng Nguyệt Biểu huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên.

Ông có xuất bản:

Tuyển tập Hương Bình Thi phẩm (1962)

Thi ca châm biếm và trào lộng Việt Nam (1969) Thơ - Mấy Điệu Tơ Lòng

Nguyễn Đôn Dư sinh ngày 15-1-1908 tại làng Thế Lại Thượng huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Bút hiệu là Quỳ Ưu. Ông làm công chức và có chân trong Hương Bình thi xã.

Phan Minh Phụ sinh năm 1913 tại làng Thanh Lương huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên.

Do đó ông lấy danh hiệu là Thanh Lương. Phan minh Phụ là cháu của thi sĩ Thượng Tân Thị (tên là Phan Quốc Quang). Ông từng phục vụ trong ngành tư pháp của VNCH ở một tỉnh ở Cao nguyên Trung Phần.

Tôn Thất Diệm (1853-1922) quên quán ở Thừa Thiên. Bút hiệu là Mộng Phật. Đỗ Tú tài Hán học (1878), ông làm quan từ chức Tri huyện lên đến Tham tri và hơu trí với hàm Thượng thơ.

Những thi sĩ ở Miền Nam:


Học Lạc (1842-1915) sinh tại làng Mỹ Chánh tỉnh Mỹ Tho. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lạc và có bút hiệu là Sầm Giang. Nhà nghèo học giỏi nên được chọn vào ngạch Học sanh của triều đình. Do đó người ta gọi ông là Học sanh Lạc rồi vắn tắt là Học Lạc. Thi hoài không đậu nên ông về ở tại chợ Thuộc Nhiêu sinh nhai bằng nghề dạy học và bốc thuốc.

Nhiêu Tâm tên thật là Đỗ Thanh Tâm sau đổi là Đỗ Như Tâm rồi Đỗ Minh Tâm, bút hiệu là Minh Giám. Ông người tỉnh Vĩnh Long học giỏi nhưng thi không đậu. Gọi là Nhiêu Tâm vì ông có chân trong Nhiêu học. Học Lạc và Nhiêu Tâm là 2 thi sĩ trào phúng của Nam Kỳ cũng như Ba Giai và Tú Xuất của Bắc Kỳ.

Trần Văn Tâm là người Miền Nam, làm chức Đốc Phủ sứ. Dị Nhơn là người Miền Nam và có lẽ là đàn bà.

Đỉnh Trai: không biết tiểu sử.


THƠ CỔ ĐIỂN


Thơ chữ Hán Nôm và Hồ Xuân Hương


* Tả Nhân sự với ngụ ý chúng trọng đến Nhũ hoa và Âm vật của người phụ nữ với mục đích khêu gợi sắc dục.


VỊNH NẰM NGỦ

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông 
Tiên nữ nằm chơi quá giấc nồng 
Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm (*) 
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông (*) 
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Ði thì cũng dở ở sao xong.
 (Hồ Xuân Hương)

Chú thích:

Bồng Đảo = Đảo Bồng Lai là cõi Tiên nơi Tiên ở.

Đào Nguyên = 1 chỗ trong truyện ký sự của Đào Tiềm tả một người ngư phủ lạc vào thượng nguồn của 1 dòng suối, hai bên toàn là hoa đào, người ở đây sống sung sướng bên ngoài xã hội của con người thế tục. (Nguyên = nguồn gốc). Đào Nguyên thường dùng để chỉ một nơi sống sung sướng ngoài thế tục.

Có một bài thơ khác cũng gần giống như vậy:

(THIẾU NỮ NGỦ NGÀY)

Đương cơn giờ Ngọ gió nam phong
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng 
Lược bạc còn cài trên mái tóc
Yếm hồng để trễ dưới lưng ong
Đôi bầu bạch thạch sương còn đượm 
Một dọc Đào Nguyên suối chửa thông 
Quân tử dùng dằng đi chẳng được 
Vậy nên một bút dán bình phong.

(Hồ Xuân Hương)


* Tả vật hay sự vật thông thường nhưng có ngụ ý là Âm vật của người phụ nữ để khêu gợi sắc dục

ĐÁ CHẸT THI

Cục núi khen cho khéo bất tình
Thò ra đứng chẹt giữa đường Thanh
Hai bên khép lại hơi gần tí
Một dải thông qua chút đỉnh đinh 
Thế lộ có đâu ngăn đón mặt 
Nhân tình ai chịu cản ngang mình
Bấy nhiêu năm trước nghe còn chẹt 
Mới mở mang ra đã rộng thênh.
 (Hồ Xuân Hương)

Chú thích: Đá Chẹt Thi = Thơ (vịnh) Đá Chẹt. Thanh = Thanh Hóa.


Trong thơ chữ Quốc ngữ cũng có một bài thơ giống tựa đề và gần giống như bài thơ trên của Hồ Xuân Hương nhưng của một tác giả khác. Tác giả này có bút hiệu là Đỉnh Trai mặc dù không ai biết lai lịch.


VỊNH ĐÁ CHẸT

Uẩy đá kia đâu khéo bất bình
Nhô ra đứng chật quảng đường xanh 
Hai bên khép lại hơi khin khít
Một lối xuyên qua chút đỉnh đinh 
Thế lộ có đâu ngăn đón mãi
Nhân sanh ai chịu ngảnh nghiêng mình 
Bao nhiêu năm trước nghe còn khít 
Mới mở bây giờ đã rộng thinh.

(Đỉnh Trai)


HANG CẮT CỚ

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm đôi mảnh hổng hòm hom 
Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn 
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm 
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm 
Con đường vô ngạn tối om om 
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
 (Hồ Xuân Hương)


Chú thích:

Hang Cắt Cớ ở vùng núi Chùa Thầy (Sài Sơn). Có bản viết là Hang Cắc Cớ. Có ấn bản viết là "hỏm hòm hom" thay vì "hổng hòm hom".

Vô ngạn = không bờ. Xuyên tạc = đục lỗ cho thông suốt.

CON ỐC

Bác mẹ sinh ra đít vẫn dồi 
Một mình lăn lóc đám rêu hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm 
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
 (Hồ Xuân Hương)


* Tả Âm vật một cách "văn chương"


VÔ ÂM NỮ

Mười hai bà mụ ghét gì nhau 
Đem cái xuân tình cắm ở đâu 
Rúc rích thây cha con chuột nhắt 
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Nào ai biết được vông hay chóc 
Nọ kẻ chia ra cuống mấy đầu 
Thôi thế thời thôi thôi cũng rảnh
Trăm năm càng khỏi tiếng làm dâu.
 (Hồ Xuân Hương)



Chú thích:

Vô Âm Nữ = người phụ nữ không có Âm vật.

Câu 3: từ câu ca dao "Con gái mười bảy mười ba. Đêm nằm với mẹ chuột tha mất lồn". Do đó "vô âm" thì kệ cho con chuột, rúc rích chán thì thôi.

Câu 4: từ câu ca dao "Bà Cốt đánh trống lông bông. Nhảy lên nhảy xuống cái ong đốt lồn". Do đó "vô âm" thì mặc kệ cái ong sợ gì nó đốt.

Vông hay chóc: từ câu tục ngữ "Ngồi lá vông, chổng mông lá chóc, nằm dọc lá tre, te he lá khế". Đây là tả hình dạng âm vật theo các tư thế khác nhau qua lối ví von nghịch ngợm của dân gian.

Cuống mấy đầu: từ câu tục ngữ tả người thiếu hiểu biết "Đầu lồn trở xuống cuống lồn trở lên".


Có một bài thơ khác của Hồ Xuân Hương gần giống như bài thơ trên nhưng có tựa đề khác.


LỠM QUAN THỊ

Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu? 
Rúc rích thây cha con chuột lắc 
Vo ve bét mẹ cái ong bầu
Đố ai mà biết vông hay chóc 
Còn kẻ nào hay cuống với đầu?
Thôi thế thời thôi, thôi cũng được 
Nghìn năm càng khỏi tiếng nương dâu. 
(Hồ Xuân Hương)



Chú thích:

Con ong bầu hút nhụy hoa (con ong chỉ người đàn ong, cái hoa chỉ người àn bà).

Vông: lá cây hình tam giác mường tượng bộ sinh dục của đàn bà. Chóc: lá cây hình thù giống bộ sinh dục của đàn ông.



* Tả vật (và sự vật) nhưng có ngụ ý mơ hồ Âm vật của người phụ nữ 

HỎI TRĂNG

Một trái trăng thu chín mõm mòm 
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo 
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm 
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom 
Hỡi người bẻ quế rằng ai đó
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.
 (Hồ Xuân Hương)


Chú thích:

Quế đỏ: theo huyền thoại Mặt Trăng có cây quế đỏ.

Chiếc bích = chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa. Mặt Trăng còn được gọi là Bích Nguyệt.

Đường cong của Mặt Trăng thường được ví như tráng sĩ giương cây cung. Bẻ quế = bẻ cây quế, cũng ám chỉ là đậu Tiến sĩ.

Hằng Nga: là vợ Hậu Nghệ, ăn cắp thuốc tiên của chồng là Hậu Nghệ nên trốn lên Mặt Trăng. Thuốc tiên này bà Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ. Hậu Nghệ là một người bắn cung giỏi.


Thơ chữ Quốc ngữ Miền Bắc



Đề tài là Nhũ hoa. 

BÓP VÚ ĐAU TAY

Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế quá non tay 
Gớm cho cô bé liều gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay 
Hùm đã biết hang sao cứ mó?
Chim chưa vỡ bụng dễ mà bay 
Từ đây buộc chỉ thôi chừa nhé 
Đừng dám chơi dao lại có ngày.
 (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)



Chú thích:

Buộc chỉ ngụ ý buộc chỉ hồng tức là kết hôn.

Câu 8: Từ câu tục ngữ "Chơi dao có ngày đứt tay".



Thơ chữ Quốc ngữ Miền Trung Tả thân hình với ngụ ý Sắc dục


 THÁM HIỂM CUNG TRĂNG

Chị Hằng ơi hỡi chị Hằng ơi! 
Hỏa tiển "Bô Lô" xáp chị rồi
Điện Quế xưa không người đến viếng 
Cung Thiềm nay có kẻ lên chơi 
Trắng trong khó giữ thân ngà ngọc 
Trò khuyết đà phơi chỗ lõm lồi
Thám hiểm khá khen tài mạo hiểm 
Tỏ mờ thấy rõ cả đôi nơi.

(Quỳ Ưu Nguyễn Đôn Dư)

Chú thích: Mặt trăng chia làm 2 phía: phía luôn sáng và phía luôn tối. Bô Lô là Apollo.

Thơ Chữ Quốc ngữ Miền Nam



Tả thân hình nhưng chú trọng sự ngụ ý vào Âm hộ và Nhũ hoa.

THƠ GHẸO CON BÁN CAU

Hỏi cau ai bán tiếng nghe rao 
Tốt vóc mà trong biết thế nào 
Giấu để trong buồng e đóng đục
Phanh ra trước mặt thấy ngon dao 
Giốc mua nên phải coi từ vú
Có bán thì cho thử chút nào 
Chuốt ngót của mình ai dám chắc 
Biết lòng biết mặt xỉa tiền trao. 
(Nhiêu Tâm)


Thơ chữ Hán Nôm và Hồ Xuân Hương


Tả Vật nhưng ngụ ý là Âm vật của người phụ nữ và Sự giao hợp nam nữ.


CÁI GIẾNG

Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông 
Giếng tót thanh thơi rất lạ lùng 
Cầu trắng phau phau hai ván ghép 
Nước trong leo lẻo một dòng thông 
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lội giữa dòng 
Giếng ấy thanh tân ai đã biết 
Đố ai dám thả nạ rồng rồng.
(Hồ Xuân Hương)


Chú thích:

Tót = tột cùng. Tót thanh thơi có nghĩa là rất mực trong trẻo. Nạ chỉ người Mẹ.

Rồng rồng = cá quả cá sộp con mới nở sống từng đàn

Cá Sộp biểu tượng Dương vật. Cá Diếc biểu tượng Âm vật.


CÁI QUẠT

Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa 
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa 
Chành ra ba góc da còn thiếu 
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa 
Mát mặt anh hùng khi tắt gió 
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng 
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa. 
(Hồ Xuân Hương)

Chú thích:

Lỗ = lỗ cay

Khi làm quạt giấy trước hết là khoan lỗ ở 2 nan cái và các nam bọng, sau đó đóng thau xuyên qua nan để ghép thành khung quạt.

Thau là đoạn dây đồng hay dây thép nhỏ cứng được cắt rời từng khúc khoảng vài phân dùng làm cái suốt xâu qua lỗ cay của nan quạt. Thường gọi là "đóng thau" hay "cắm suốt".

VỊNH CÁI QUẠT

Mười bảy hay là mười tám đây 
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay 
Mỏng dày chừng ấy chành ba góc 
Rộng hẹp ngần nao cắm một cay 
Có nóng bao nhiêu càng có mát 
Yêu đêm chẳng chán lại yêu ngày 
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy 
Chúa dấu vua yêu một cái này. 
(Hồ Xuân Hương)

Chú thích:

Câu 1: 17, 18 chỉ số nan quạt; cũng ám chỉ tuổi của người thiếu nữ. Một số nhà Nho có cách tính theo 4 chữ "thịnh, suy, bĩ, thái" nên số nan quạt thông thường là 17 hay 21 cho đúng với chữ "thịnh".

Cay: là lỗ cay của cái quạt.

Hồng: chỉ quạt giấy màu hồng. Cậy: chỉ nhựa của quả Cậy dùng để phất giấy lên các nan quạt. Ý câu thơ nói: má hồng (chỉ phụ nữ) đẹp nhà nhờ (nhựa của quả) cậy. Hồng và Cậy là 2 loại quả cùng họ nên "hồng" và "cậy" khít khao với nhau.

Dấu = yêu. Từ câu tục ngữ "Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu".


VỊNH XUYÊN CỔ (VỊNH CÁI TRỐNG THỦNG)

Của tôi bưng bít vẫn ngùi ngùi 
Nó thủng vì chưng cũng nặng dùi 
Ngày vắng trên lầu dăm bảy lúc 
Đêm thanh dưới gác một đôi hồi
Khi khoan chưa chán thời khi nhặt 
Đánh đứng không thôi lại đánh ngồi 
Nhắn nhủ ai về thương đến mấy 
Thịt da ai cũng thế mà thôi.

(Hồ Xuân Hương)


Chú thích:

Ngùi ngùi = động lòng thương nhớ. Có bản cũ viết là "bùi ngùi". Khoan = chậm, thư thả. Nhặt = mau, gấp gáp.

QUẢ MÍT

Thân em như quả mít trên cây, 
Da nó xù xì múi nó dày.
Quân tử có yêu xin đóng cọc, 
Đừng mân mó nữa nhựa ra tay. 
(Hồ Xuân Hương)


Chú thích:

Theo kinh nghiệm dân gian khi quả mít chín trên cây bị gió lay có thể tụt nõ mà rơi xuống đất. Do đó khi mít già một chút, người ta trảy xuống và đóng cọc tre vào chỗ cuống mít sau đó đem phơi nắng cho mau chín.


BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em thời trắng phận em tròn 
Bảy nổi ba chìm mấy nước non 
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son. 
(Hồ Xuân Hương)



Thơ chữ Quốc ngữ Miền Bắc


Thi sĩ Đạm Nguyên có họa 2 bài thơ của Hồ Xuân Hương.

- Họa bài thơ "Cái Giếng" của Hồ Xuân Hương:


CÁI GIẾNG (Nguyên bản)

Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông 
Giếng tót thanh thơi rất lạ lùng 
Cầu trắng phau phau hai ván ghép 
Nước trong leo lẻo một dòng thông 
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lội giữa dòng 
Giếng ấy thanh tân ai đã biết 
Đố ai dám thả nạ rồng rồng. 
(Hồ Xuân Hương)


VỊNH CÁI GIẾNG (Họa)

Giếng này đâu phải của riêng ông? 
Mà ngại chăm nom để lạnh lùng 
Nọ cảnh Bồng lai, chim vắng bóng 
Kìa khe thiên tạo, nước chưa thông 
Rậm rì cỏ gấu quanh bên mép 
Thăm thẳm hang trê suốt đáy dòng 
Trong đục nào ai ai dễ biết
Khơi ra cho nước chảy ròng ròng. 

(Đạm Nguyên)

- Họa bài thơ "Vịnh Cái Quạt" của Hồ Xuân Hương.


VỊNH CÁI QUẠT (Nguyên bản) 

Mười bảy hay là mười tám đây 
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay 
Mỏng dày chừng ấy chành ba góc 
Rộng hẹp ngần nao cắm một cay 
Có nóng bao nhiêu càng có mát 
Yêu đêm chẳng chán lại yêu ngày 
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy 
Chúa dấu vua yêu một cái này. 

(Hồ Xuân Hương)


VỊNH CÁI QUẠT (Họa)

Trong cơn nóng nực có ta đây
Ưa chuộng nên người phải mó tay 
To nhỏ vành ra ba cái góc
Sâu nông cắm chặt một cành cây 
Lả lơi cánh bướm, thu cùng hạ 
Ấp ủ lưng ong, tối lại ngày
Rét đến tìm về nơi núi Thủ 
Y Chu đắc chí đợi sau này. 

(Đạm Nguyên)


Chú thích:

Thủ Dương hay Thú Dương là nơi Bá Di Thúc Tề ở ẩn tránh nhà Chu.

Y là Y Doãn và Chu là Chu Công Đán; 2 vị khai quốc công thần của nhà Thương và nhà Chu.


Hai câu kết lấy ý từ bài thơ "Vịnh Cái Quạt" trong Kinh Thi.

Uẩn long trùng trùng 
Y Doãn Chu Công 
Đông hàn thê thê 
Bá Di Thúc Tề.



Thơ chữ Quốc ngữ Miền Trung


TẮM BIỂN HỒ

Cao hứng đua nhau tới Biển Hồ 
Đè chừng nẻo cũ tiến lần vô
Hồ xuân nép dưới hai bồng đảo 
Cỏ rậm đơm quanh một nắm gò 
Muốn tắm nước trong tìm thú lạ 
Còn e đáy hẳm cắm sào dò
Cạn sâu rày đã dường thông lối 
Hụp xuống nhoi lên sướng thấy mồ!

 (Hương Thủy)


XOA MÃ CHƯỢC (MÃ TƯỚC)

Buổi thanh nhàn trà sau rượu trước 
Vui anh em mã tước lại bày ra
Ai khéo điểm tô trong ngọc trắng ngà 
Cho quân tử hết xoa rồi lại mó
Xuân Hạ Thu Đông còn ấp ủ
Mai lan trúc cúc đã kề vai
Ai nhám hơn ai mà nhẵn hơn ai?
Kìa bạch bản với phát xồi nom cho kỹ 
Chì mó trúng tui cười đắc ý
Bị tay trên mặt sị đồ trâu 
Cuộc chưa tàn ai đã chắc đâu
Đến gió Bắc mới lên râu ăn với phỗng 
Mười ba cô như thơ như mộng
Hoa dựng lên hoa cấm cửa mình 
Chị em xuyên khéo thành phềnh! 

(Vô Danh Thị)


Chú thích:

Mười ba cô: Xập xám dịu (Thập tam yêu: trong trò chơi mã chược, ù "xập xám dịu" là to nhất)

GIỐNG MẸ

Giống mẹ không sai chút bẻo beo 
Cuống đầu tỏ đặng lúc chồng cheo 
Chơ hơ giữa chợ phơi ba vạ
Đút đớt trong cươi trợt một keo 
Đánh giấc mê man tha kệ chuột 
Nổi cơn quay quắt dữ hơn mèo
Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười gẫm 
Róc rách bên cồn hứng gió heo. 

(Mộng Phật Tôn Thất Diệm)

Thơ chữ Quốc ngữ Miền Nam

ÂM VẬT

Tượng mắng người đồn gẫm quá thô
Đố ai cho khỏi đút đầu vô
Trong vòng khép lại nhiều vương tướng 
Ngoài ngõ chung ra hiếm cống đồ
Ai dẫu có tình dành dựa thế
Người mà không lễ dễ gần mô
Giúp đời có thủa tuôn mây (mưa) móc 
Cây cỏ nhờ hơi nắng chửa khô.

(Dị Nhơn)

Thơ chữ Hán Nôm và Hồ Xuân Hương


* Tả Nhân sự thông thường nhưng ngụ ý là Sự giao hợp nam nữ.


ĐÁNH ĐU

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng 
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông 
Trai co gối hạc khom khom cật 
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới 
Hai hàng chân ngọc duỗi song song 
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá 
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

(Hồ Xuân Hương)


TÁT NƯỚC

Đang cơn nắng cực chửa mưa tè 
Rủ chị em ra tát nước khe
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm 
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa 
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve
Mải việc làm ăn quên cả mệt 
Dạng hang một lúc đã đầy phè. 

(Hồ Xuân Hương)


DỆT CỬI ĐÊM

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau 
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc 
Một suốt đâm ngang thích thích mau 
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ vẫn như nhau 
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ 
Chờ đến ba thu mới dãi màu.

(Hồ Xuân Hương)

Chú thích:Con cò = miếng gỗ đẽo hình con cò, buộc ở trên cao để mắc dây go trong khung cửi thủ công.

Suốt = ống nhỏ bằng tre, gỗ hoặc giấy dùng quấn sợi để cho vào thoi dệt.

Ngâm cho kỹ: chỉ việc ngâm vải, tơ, lụa trong nước hồ loãng quậy bằng bột gạo cho vải mịn mặt.

Ba thu = 3 tháng mùa thu lúc có nắng hanh là lúc thời tiết thuận lợi cho việc đem vải ra nhuộm màu và dãi nắng.


ĐÁNH CỜ

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết. 
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Ðể đôi ta quyết liệt một phen. 
Quân thiếp trắng, quân chàng đen, 
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa, 
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên, 
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ. 
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý, 
Ðem tốt đầu dú dí vô cung, 
Thiếp đang mắc nước xe lồng, 
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu, 
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà. 

(Hồ Xuân Hương)


* Tả Sự giao hợp nhưng không nói rõ ràng


CHI CHI CHUYỆN ẤY

Chi chi chuyện ấy đã đành lòng 
Vó ký phen này quyết thẳng rong 
Non nước chơi hoài non nước đó 
Gió trăng nào phải gió trăng không 
Mặt càng đối mặt tình ngao ngán 
Tay chửa rời tay bước ngại ngùng 
Lão Nguyệt nhẽ nào trêu quải mãi
Chén đồng xin hẹn khắc đêm đông. 

(Hồ Xuân Hương)

Chú thích:Ký = loại ngựa khoẻ đời xưa, sức chạy ngàn dặm.

Chén đồng = chén rượu cùng nhau thề nguyền suốt đời chung sống 1 lòng 1 dạ.


CHƠI HOA

Đã trót chơi hoa phải có trèo
Trèo lên chớ ngại mỏi xương nhèo 
Cành la cành bổng vin co vít 
Bông chín bông xanh để lộn phèo. 

(Hồ Xuân Hương)


Chú thích: Cành la = cành thấp. Bông chín = bông tàn.

* Tả Vật (và sự vật) đặc biệt có một chút ngụ ý mơ hồ về sự giao hợp.


ĐÁ ÔNG CHỒNG BÀ CHỒNG

Khéo khéo bày trò tạo hoá công 
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc
Thớt dưới sương pha đượm má hồng 
Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt 
Khối tình cọ mãi với non sông
Đá kia còn biết xuân già giặn 
Chả trách người ta lúc trẻ trung. 

(Hồ Xuân Hương)

Chú thích: Núi đá ông chồng bà chồng: không thấy ở tỉnh Tuyên Quang như Trần Thanh Mại; hình như ở vùng Chùa Hương.

QUAN HẬU SỢ VỢ

Tình cảnh ấy nước non này
Dẫu không Bồng Đảo cũng Tiên đây 
Hành Sơn mực điểm đôi hàng nhạn 
Thứu Lĩnh đen trùm một thứ mây 
Lấp ló đầu non vầng nguyệt chếch 
Phất phơ sườn núi lá thu lay
Hỡi người quân tử đi đâu đó 
Đến cảnh sao mà đứng lượm tay. 

(Hồ Xuân Hương)


Chú thích:Quan Hậu là quan Hậu Bổ, lãnh làm việc quan mà chực có chỗ khuyết để được bổ vào.

Hành Sơn cao quá nhạn bay qua không được phải đậu lại. Thứu Lĩnh là ngọn núi Linh Thứu, nơi của Phật Thích Ca. Lượm tay = chắp tay.


ĐỀ NHỊ MỸ NHÂN ĐỒ

Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình 
Chị cũng xinh mà em cũng xinh 
Trăm vẻ như in tờ giấy trắng 
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Phiếu mai chăng dám đường kia nọ 
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh 
Có một thú vui sao chẳng vẽ
Trách người thợ ấy khéo vô tình. 

(Hồ Xuân Hương)


Chú thích:Phiếu mai: còn đọc là Xiếu mai. Từ bài thơ Phiếu Hữu Mai trong Kinh Thi tả cây mai rụng nhiều nhưng vẫn còn quả trên cây; ý nói phụ nữ tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn có thể lấy chồng được.


CÁM ƠN HAI CÔ ĐÀO

Lật đật qua đèo nắng cực thay 
Hai cô thương đến lại cho giày 
Ơn nầy biết lấy gì mà trả
Xin quỳ hai gối chống hai tay.

 (Nguyễn Công Trứ)



Thơ chữ Quốc ngữ Miền Bắc

CHÊ GÁI LẤY CHỒNG GIÀ

Tội chi hơn tội lấy chồng già! 
Duyên nợ mò mà mãi thế a? 
Ngán nỗi trăng tà lồng bóng liễu
Buồn tình ong nguyệt rút bông hoa 
Thường thường tuy có mà không mấy 
Thoáng thoáng nên chăng mới họa là 
Đầu bạc tóc xanh dang dở quá
Ra đường ai biết bạn hay cha! 

(Ba Giai)

Thơ chữ Quốc ngữ Miền Trung

Thi sĩ Hương Thủy

VỊNH LÃO TƯỚNG QUẦN VỢT

Càng già càng dẻo lại càng dai 
Lão tướng ra quần chẳng kém ai 
Đấu mấy hiệp liền không đuối sức 
Tranh ba ngày tiếp chửa mòn hơi 
Khi mau, khi chậm, khi mơn ngắn 
Lúc xuống, lúc lên, lúc thọc dài 
Gác lại gác qua phô đủ kiểu
Mòn lông banh nỉ lão còn chơi


Mòn lông banh nỉ lão còn chơi 
Cân sức cho nên chẳng dám lơi 
Chống đỡ gay go trào bọt mép 
Cò cưa dai dẳng toát mồ hôi 
Chơi trưa chưa phỉ còn chơi tối 
Đánh chiếc xong rồi lại đánh đôi 
Phút chốc mưa đâu tuôn xối xả
Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi.


Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi 
Chốc nữa lau khô lão lại chơi 
Biểu diễn sân quen hay đáo để 
Nắn dồi banh mới sướng mê tơi
Người trên ập xuống phều phào thở 
Kẻ dưới nâng lên khúc khích cười 
Đối thủ gặp nhau mùa nắng cực 
Quần lâu thấm mệt ngã lăn nhoài. 

(Hương Thủy)

Giai thoại thi sĩ Hương Thủy đi dự đại hội của một cơ quan.

Ông có làm bài thơ:


ÂM THẦM

Nam nữ nhân viên sở Điện Cơ 
Âm thầm làm việc lặng như tờ 
Đôi bên cởi mở cùng chung sức 
Kết quả rồi ra sẽ thặng dư.

Sở Điện Cơ Kế Toán kiện ông, nên ông làm bài thơ thứ nhì: 

NỘP MÌNH CHỊU TỘI

Làm thơ bị kiện tính sao đây?
Lạy cũng không tha thế mới rầy! 
Thôi nộp thân già cho các cổ
Luân phiên hành hạ suốt đêm ngày!

Ông làm bài thơ thứ ba mô tả "Tội nhân" bị các cô "xuyên phiếu" hành hạ thế nào và hậu quả ra sao?

Đưa về giam giữ tại phòng riêng Đao phủ: mười cô xuyên phiếu viên Lột áo quần ra đè xuống chiếu

Mấy cô giữ chặt, một cô "xuyên"!
Xuyên đêm chưa nghỉ lại xuyên ngày 
Hành hạ thân già khổ lắm thay
Lúc được tha về đi hết nổi
Ai ai trông thấy cũng chau mày!


Kể từ thọ tội đến hôm nay
Chín tháng mười ngày bấm đốt tay 
Mấy viện bảo sanh thêm bận rộn
Điện cơ xuyên phiếu thiếu người thay!



Những thi sĩ khác


Hai thi sĩ Phạm Ứng Thuần và Phan Minh Phụ dùng kỹ thuật Nói Lái


ĐỤC ĐÁ

Năm ngoái ông lên đục bốn vần 
Năm nay ông lại đục hai chân 
Khen cho đá cũng bền gan thật 
Chịu mãi cho ông đục mấy lần! 

(Phạm Ứng Thuần)


ĐIỆN LU

Ai cũng than phiền ánh điện lu 
U u ám ám tựa mây mù
Đêm xuân sao nhuốm màu thu đạm
Lòng đã u buồn điện cũng u!

(Phan Minh Phụ)


VỊNH MỘT TỜ BÁO... HẠI

Chỉ đáng vò đi để độn lò
Câu đây móc đó đọc buồn xo
Phao đi đồn lại nhiều tin quấy 
Vùi lộn chôn lầm lắm hạm to
Bịa cảnh canh khuya cô tú đợi 
Bày trò đêm tối lính đồn lo 
Hãy xem Đạo dụ ghi điều luật 
Đồn lạc tin sai phạt mấy bò! 
(Phan Minh Phụ)


Đề tài "Đá Gà" củng được áp dụng:

ĐÁ GÀ

Vui xuân nhằm tiết mồng ba 
Ông bà cao hứng bắt gà đá chơi 
Gà ông ngỏng cổ gáy hơi
Gà bà thủ bộ đợi thời gà ông 
Gà ông chém trúng cạnh mồng 
Gà bà nổi giận gặm cần gà ông 
Đá nhau một chặp ướt lông
Gà bà trúng cựa, gà ông gục cần! 

(Vô Danh Thị)


Thơ chữ Quốc ngữ Miền Nam


GÀ ĐÁ ĐỘ

Hai bên chưa chắc đặng cùng không 
Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông 
Một trận quyết đền ơn tấm mãng 
Hai người chớ ngại nắm xương lòng 
Rủi may đã có người hương khói 
Khuya sớm cho cam kẻ ẩm bồng 
Lừng lẫy lấy danh trong mấy nước 
Làm sao năm đức giữ cho đồng. 

(Học Lạc)

Chú thích: Gà có 5 đức là: uy vũ, can đảm, gáy sáng, thảo ăn và khéo nuôi con.

 VỊNH TƠ NÍT (Quần vợt)

Cuộc chơi bày đặt tự phương Tây
Tơ nít vừa lòng cả gái trai
Banh nắm hai hòn nhồi đúng điệu 
Vợt cầm một cán đánh cho ngay 
"Cúp-pê" sát lưới nằm trong mức 
"Xì mách" vô khuôn chớ xỉa ngoài 
Rồi "xết" mồ hôi ra ướt áo
Xệ đùi mỏi gối lại phồng tay. 
(Trần Văn Tâm)

VỊNH NHẢY ĐẦM

Ủa ủa cái gì tẹo?
Hai người ôm dính lẹo
Cô vừa nhún vừa đeo 
Thầy lúc quay lúc kéo 
Long lanh bốn mắt ngời 
Uốn éo đôi lưng ẹo
Qua lại giò tréo nhau 
Khúc trên đánh xà nẹo.

 (Trần Văn Tâm)


ĐÁNH GIẶC ĐÊM

Nửa đêm giờ Tý trống canh ba
Vác súng lên thành tháo lũy ra 
Một tướng xông vào trong cửa ải
Hai quân lăn lóc bãi san hà
Quân ta giao chiến cùng quân nó
Nước nó giao hòa với nước ta 
Đánh giặc xong rồi lau khí giới 
Thu binh hồi trại xếp can qua. 

(Vô Danh thị)



Dương vật và Sự giao hợp


Thơ chữ Hán Nôm và Hồ Xuân Hương

Là phụ nữ nhưng bà Hồ Xuân Hương cũng tả bộ phận sinh dục của người đàn ông với sự chế nhạo.



VỊNH QUAN HOẠN

Chú min ơi hỡi chú min ơi 
Tăn hẳn sự nầy thế thế thôi 
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất? 
Nâng túi càn khôn trả nợ đời. 

(Hồ Xuân Hương)




DƯƠNG VẬT

Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn 
Ban đêm không mắt sáng hơn đèn
Đầu đội nón da loe chóp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen. 

(Hồ Xuân Hương)

Thi hào Cao Bá Quát cũng có làm bài thơ:


THƠ VOI

Khen ai khéo khéo đấp đôi voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao chẳng thấy 
Hay là thầy lấy bớt đi rồi. 
(Cao Bá Quát)


Bạn của Cao Bá Quát là Đặng Đức Siêu tả rõ hơn:


NGỌC HÀNH (*)

Cũng không phải Phật cũng không Tiên 
Vui sướng một mình ở cõi riêng
Ngoài xũ áo xiêm năm bảy lớp 
Trong màn hầu hạ một hai viên
Chính chuyên tấc dạ thường ngay thẳng 
Khuya sớm một mình phải gắng siêng 
Cửa đỏ ra vào đà phỉ chí
Ngàn năm cốt cách để lưu truyền. 

(Ðặng Ðức Siêu)


(*) Chú thích: Ngọc hành = penis (Anh ngữ) = Dương vật, Con Cu.


Vua Tự Đức đã có câu thơ tặng 2 ông Đặng Đức Siêu và Cao Bá Quát: "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán".

Thơ chữ Quốc ngữ Miền Bắc

Hậu duệ của ông Đặng Đức Siêu có họa bài thơ của ông: 

NGỌC HÀNH (Nguyên bản)

Cũng không phải Phật cũng không Tiên 
Vui sướng một mình ở cõi riêng
Ngoài xũ áo xiêm năm bảy lớp 
Trong màn hầu hạ một hai viên
Chính chuyên tấc dạ thường ngay thẳng 
Khuya sớm một mình phải gắng siêng 
Cửa đỏ ra vào đà phỉ chí
Ngàn năm cốt cách để lưu truyền.

(Ðặng Ðức Siêu)

NGỌC HÀNH (Họa)

Không màng thế sự sống như tiên 
Một nếp thanh nhàn một cõi riêng
Rộng rãi an cư nhà một cột
Sẵn sàng chiến đấu đạn vài viên 
Tấm lòng ngay thẳng vì danh lợi 
Công việc cứng mềm hết dạ siêng 
Ngõ tía lân la ngày mấy bận 
Hằng lo giống tốt để di truyền. 

(Khiêm Ðức Lê Bính)


Trạng Quỳnh tả: Dương vật, Âm vật và Sự giao hợp. 

THƠ GỞI CHO VỢ

Này lời giáo thụ gởi về quê 
Nhắn nhủ bà bây chớ ngứa nghề 
Cõi Bắc anh mang thằng củ lẳng 
Miền Nam em giữ cái trai he 
Hãy còn vướng vít như hang thỏ 
Hay đã to ho quá lỗ trê
Bấm đít bấm trôn mà chịu vậy 
Một hai ngày nữa đợi anh về. 

(Trạng Quỳnh)


THƠ XỎ GÁI CHUA NGOA

Tuyên Quang, Hoằng Hóa, cũng thì vua 
Nắng cực cho nên phải mất mùa
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị
Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho. 

(Trạng Quỳnh)


Thơ Chữ Quốc ngữ Miền Trung


VỊNH CÁI BẬT LỬA CŨ

Lẹt xẹt hồi lâu lửa chẳng ra 
Ngán thay cái quẹt của ông già! 
Con cò chắc đã mòn khu ốc 
Viên đá e khi hỏng ruột gà
Đè xuống kéo lên thêm lỏng trục 
Bấm qua bóp lại muốn trầy da 
Dầu đà xì bậy tim đà ướt
Toan vất nhưng mà có kẻ la! 

(Quỳ Ưu Nguyễn Đôn Dư)


Chú thích: Bật lửa = Cái quẹt, hộp quẹt.
Thơ chữ Quốc ngữ Miền Nam


DƯƠNG VẬT

Ngóc đầu từng bước chốn cung son 
Căm giận chuyện đời tiếng gọi “con” 
Vương bá cậy tài nên vóc vạc
Quan dân nhờ sức đặng vuông tròn 
Xông đồn lắm lúc đầu nào mẻ
Đột lũy ghe phen giáo chẳng mòn
Ở khách má đào ai cũng thế 
Vẹn gìn chớ để thẹn sông non. 

(Dị Nhơn)

  Trong những điều kiện xã hội và tôn giáo khắt khe về tính dục thời đại Hồ Xuân Hương, tiếng nói ca tụng thân xác và tính dục như đã nói của bà mang nhiều ý nghĩa nhân đạo. Ở đó, nhà thơ cất lời đòi hỏi phải tôn trọng bản năng tính dục. Vì vậy, nó cũng đồng nghĩa với việc bào chữa, bênh vực cho con người, đặc biệt là nữ giới. 

 Việc cho tính dục là hạnh phúc, cho thân thể của phụ nữ là đẹp đẽ, hấp dẫn có giá trị đặc biệt bởi chúng khẳng định vị trí của giới nữ, xem họ như một phái giới quan trọng, không thể thiếu trong các lạc thú, sự sống, sự sản sinh và sự sung sướng, mãn nguyện có tính trần thế. Những đòi hỏi bình đẳng, trong đó có bình đẳng tính dục cũng có ý nghĩa nhân đạo vì nó yêu cầu phải tôn trọng phụ nữ về mặt tính dục. Tính dục có liên quan đến nữ quyền. 

 Hồ Xuân Hương đã xác quyết điều này khi bà cho rằng phụ nữ cũng có thể có quyền chủ động, mời gọi tình dục. Thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương muốn xã hội, nhân sinh đáp ứng, thấu hiểu nhiều nhu cầu của giới nữ, trong đó có tính dục. Điều này xuất phát từ sự đồng cảm, thông hiểu thân phận của phụ nữ, trong đó có thân phận tính dục, trong xã hội phong kiến.

  Những vấn đề về tình dục, giới, nữ quyền mà Hồ Xuân Hương biểu đạt là rất mới mẻ vào thời đại của bà. Đi kèm với điều đó còn có một chủ nghĩa nhân đạo tán dương, mong muốn, thông hiểu con người, ở đây là nữ giới, trên nhiều lĩnh vực cũng hoàn toàn mới mẻ. Chủ nghĩa nhân đạo của nhà thơ, do đó, cũng có tính đặc thù: Lần đầu tiên có một tiếng nói hiểu một cách tường tận, sâu sắc các vấn đề của phụ nữ không chỉ ở mặt xã hội mà còn ở khía cạnh bản năng. Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Xuân Hương như vậy còn nằm ở chỗ đã phát hiện, khám phá ra những thuộc tính, những chiều kích khác nhau của con người, ở đây là tính dục - một bản năng không thể che giấu.

(Sưu tầm}

Đăng nhận xét