Hướng Dẫn Làm Thơ Thất Ngôn Bát Cú

 Theo luật của thơ Đường Luật, một bài thơ phải đáp ứng được các yêu cầu về luật bằng trắc, niêm vận, cấu trúc và đối xứng của bài thơ. Giá trị của bài thơ, ngoài ý tứ, được dựa chặt chẽ vào các qui định này. Thể Thất Ngôn Bát Cú  có nhiều chữ nhất xin được phân tích ở bài này vì nó phức tạp hơn hết. Dựa trên các hiểu biết về luật của thơ Thất Ngôn Bát Cú, luật của thơ Ngũ Ngôn Bát Cú , Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt  sẽ được trình bày ở một bài viết khác.
Thất Ngôn Bát Cú



1.1 Luật Bằng Trắc thơ Thất Ngôn Bát Cú

Luật Bằng Trắc gồm có: Thanh, Luật, Niêm và Vận

1.1.1 Thanh

Gồm 2 Thanh Bằng và Thanh Trắc.

1.1.1 a Thanh Bằng (B): 

 Những tiếng hay chữ không có dấu như: hoa, âm, thanh...và những tiếng hay chữ có dấu huyền ( `) như: hòa, người, trời... được gọi là thanh bằng.

1.1.1b Thanh Trắc (T) :

 Những tiếng hay chữ có dấu sắc ( ' ), dấu hỏi ( ? ), dấu ngã (~ ), và dấu nặng ( . ). Ví dụ: lá, đáo, tưởng, đỉnh, cũ, vĩ, tự, lộ... được gọi là thanh trắc.

1.1.2 Luật:

 Luật của bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật được căn cứ vào chữ thứ 2 của câu đầu. Thất Ngôn Bát Cú làm theo Luật Bằng nếu chữ thứ 2 ở câu đầu thuộc thanh bằng và Luật Trắc nếu chữ thứ 2 ở câu đầu thuộc thanh trắc. Căn cứ vào thanh của chữ cuối câu đầu, bài thơ còn thuộc Vần Bằng hay Vần Trắc. Từ 2 luật và 2 vần, ta có 4 dạng thơ Thất Ngôn Bát Cú. Mỗi dạng thơ có những đòi hỏi về thanh của các chữ trong câu và niêm vận khác nhau. Các ký hiệu dùng dưới đây có ý nghĩa như sau:

B : thanh bằng bất luận (xem đoạn 2.1.5)
B : thanh bằng phân minh và/hoặc niêm (xem đoạn 2.1.3)
B : thanh bằng vần (xem đoạn 2.1.4) 
T : thanh trắc bất luận
T : thanh trắc phân minh và/hoặc niêm

Lưu ý:

a. Vì có rất ít các bài thơ làm theo đúng 100% luật bằng trắc, các bài thơ đưa làm ví dụ chỉ có tính cách minh họa và ứng dụng biệt lệ nêu ở mục 1.1.5.

b. Một số các bài thơ được dịch theo thơ Đường Luật, nhưng không nhất thiết theo dạng của bài thơ nguyên thủy.

1.1.2a Luật Bằng Vần Trắc:


1. B B T T B B T
2. T T B B T T B (Vần)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (Vần)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (Vần)
7. T T B B B T T
8. B B T T T B B (Vần)

Khách Chí - Đỗ Phủ

1. Xá nam xá bắc giai xuân thủy
2. Ðản kiến quần âu nhật nhật lai
3. Hoa kiến bất tằng duyên khách tảo
4. Bồng môn kim thủy vị quân khai
5. Bàn tôn thị viễn vô kiêm vị
6. Tôn tửu gia bần chỉ cựu phôi
7. Khẳng dữ lãng ông tương đối ẩm
8. Cách ly hô thủ tận dư bôi.

客至- 杜甫

舍南舍北皆春水
但見群鷗日日來
花徑不曾緣客掃

蓬門今始為君開
盤飧市遠無兼味
樽酒家貧只舊醅
肯與鄰翁相對飲
隔籬呼取盡餘杯

Dịch thơ: Khách Đến

Phía Bắc phía Nam đẫm nước xuân
Chim âu hằng bữa viếng tưng bừng
Lối hoa không dọn vì không khách
Có bạn hôm nay mở cổng mừng
Xa chợ thức ăn đành thiếu vị
Nhà nghèo rượu ẩm có không chừng
Mời ông hàng xóm cùng nâng chén
Ðem hết ra đây rượu đã lưng.

1.1.2b Luật Bằng Vần Bằng:

1. B B T T T B B (V)
2. T T B B B T B (V)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T T
8. B B T T T B B (V)

Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài- Lý Bạch

1. Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du
2. Phượng khứ đài không giang tự lưu
3. Ngô cung hoa thảo mai u kính
4. Tấn đại y quan thành cổ khâu
5. Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
6. Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu
7. Tổng vị phù vân năng tế nhật
8. Trường An bất kiến sử nhân sầu.

登金陵鳳凰台李白

鳳凰台上鳳凰游
鳳去台空江自流
吳宮花草埋幽徑
晉代衣冠成古邱
三台半落青山外
二水中分白鷺洲
總為浮雲能蔽日
長安不見使人愁

Dịch thơ:

Lên Đài Phượng Hoàng Ở Kim Lăng

Phượng hoàng đến viếng phượng đài(1)
Phượng đi đài vắng sông dài vẩn trôi
Cỏ hoa phủ lối cung Ngô
Cân đai đời Tấn thành mồ cỏ xanh
Nửa trời ba giải thiên thanh (2)
Cù lao Bạch Lộ nước quanh hai đường (3)
Mây trôi che ánh thái dương
Trường An chẳng thấy sầu vương bao tình.

1. Phượng hoàng đài xây đời nhà Tống ở nơi có chim ngũ sắc đến đậu mà người ta cholà chim phượng hoàng.

2. Tam sơn ở Tây nam Kim Lăng gồm 3 ngọn núi cao, trên đỉnh có thể nhìn thấy bốn bề.

3. Bạch lộ là vùng đất suối Tần Hoài chia hai dòng chảy qua.


              Cái Lò Tôn

  1. Ông ngồi vãn chuyện giữ lò tôn
  2. Lũ khách còn mê bởi quốc hồn
  3. Mặc kệ ai chê bai nghiệp khốn
  4. Quen lời kẻ chợ giễu nghề...ồn
  5. Dùng ga với điện thời không ổn
  6. Chẳng dễ lùi tro nướng mộc tồn
  7. Ghế cũ bên đường nơi ngả bốn
  8. Ông ngồi vãn chuyện giữ lò tôn

                           Cảm Tết
                  Tác giả: Tú Xương

  1. Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
  2. Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
  3. Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
  4. Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
  5. Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
  6. Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
  7. Thôi thế thì thôi, đành tết khác
  8. Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo!

1.1.2c Luật Trắc Vần Bằng:

1. T T B B T T B (V)
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
8. T T B B T T B (V)

Tích Vũ Võng Xuyên Trang Tác

Vương Duy


1. Tích vũ không lâm yên hỏa trì
2. Chung lê xuy thử hướng đông ti
3. Mạc mạc thủy điền phi bạch lộ
4. Âm âm hạ mộc chuyển hoàng ly
5. Sơn trung tập tĩnh quan triêu cẩn1
6. Tùng hạ thanh trai chiết lộ quỳ
7. Dã lão dữ nhân tranh tịch(2) bãi
8. Hải âu(3) hà sự cánh tương nghi.

積雨輞川莊作

王維


積雨空林煙火遲
蒸藜炊黍餉東菑
漠漠水田飛白鷺
陰陰夏木囀黃鸝
山中習靜觀朝槿
松下清齋折露葵
野老與人爭席罷
海鷗何事更相疑

Dịch thơ:

Làm Lúc Mưa Ở Trang Võng Xuyên
 
Mưa nhiều lửa củi cháy không nhanh 
Cơm nếp canh rau nấu đã sành
Ruộng nước bao la cò trắng lượn 
Um tùm cây cỏ tiếng hoàng oanh 
Tịnh tâm trong núi nhìn hoa sớm 
Soạn bữa dưới thông bẻ cải xanh 
Lão có cùng ai ham đấu chấp
Hải âu cớ sự ngợ lòng thành!

1. Hoa cẩn là một loài hoa sớm nở tối tàn.
2. Tranh tịch: tranh chiếu ngồi, tranh dành địa vị.
3. Hải âu: Sách Liệt tử có viết chuyện một người rất gần gũi với chim hải âu. Ngày nọ nghe lời cha bắt một con chim. Ngày hôm sau tất cả chim đều lánh xa.

                       Điếu bát
  1. Cẳng duỗi chân co miệng chữ o
  2. Nhoài tay khơi móc túm tròn vo
  3. Mân mê mải miết mần ngay nõ
  4. Móc máy mần mò mó nhẹ cho
  5. Muốn sướng ai ơi khều lửa nhỏ
  6. Vội vàng cuống quýt bú thời ho
  7. Ngà ngà trắng xóa vương đầu lõ
  8. Thở dốc khen chàng điếu bát to
         Đi Thi-Tác giả: Tú Xương

  1. Tấp tểnh người đi tớ cũng đi
  2. Cũng lều cũng chõng cũng đi thi
  3. Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn
  4. Sờ bụng, thầy không một chữ gì!
  5. Lộc nước còn mong thêm giải ngạch
  6. Phúc nhà nay được sạch trường quy
  7. Ba kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa
  8. Ú ớ u ơ ngọn bút chì!

1.1.2 d Luật Trắc Vần Trắc:

1. T T B B B T T
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
8. T T B B T T B (V)

Khiển Bi Hoài Kỳ Nhị - Nguyên Chẩn

1. Tích nhật hý ngôn thân hậu ý
2. Kim triêu giai đáo nhãn tiền lai
3. Y thường dĩ phóng hành khán tận
4. Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai
5. Thượng tưởng cựu tình liên tỳ bộc
6. Dã tằng nhân mộng tống tiền tài
7. Thành tri thử hận nhân nhân hữu
8. Bần tiện phu thê bách sự ai.

遣悲懹 - 元稹

昔日戲言身後意
今朝皆到眼歬來
衣裳已施行着侭
針綫猶存未忍開
尚想舊情憐婢僕
也曾因夢送錢財
誠知此恨人人有
貧賤夫妻佰事偯

Dịch thơ: Gợi Niềm Sầu Nhớ

Ngày xưa vui nói chuyện qua đời
Trước mắt hôm nay xảy tới nơi
Cho hết áo quần không giữ ngắm
Chỉ kim còn đó sầu chưa vơi
Nghĩ tình xưa cũ thương người ở
Đốt tặng nàng tiền mơ đến chơi
Nỗi khổ tâm này ai cũng có
Vợ chồng nghèo khó cảnh chơi vơi.

1.1.3 Niêm trong thơ Thất Ngôn Bát Cú

Niêm đòi hỏi 2 chữ ở cùng vị trí trong 2 câu khác nhau phải cùng thanh bằng hoặc thanh trắc. Ví dụ dưới đây là của bài thơ Luật Bằng Vần Bằng:

1 B B T T T B B (V)
2. T T B B B T B (V)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T T
8. B B T T T B B (V)

1.1.3a Chữ 2 và chữ 6 trong câu 1 niêm với chữ 2 và chữ 6 trong câu 8 (các chữ màu đỏ).

1.1.3b Chữ 2 và chữ 6 trong câu 2 niêm với chữ 2 và chữ 6 trong câu 3 (các chữ màu xanh lá cây).

1.1.3c Chữ 2 và chữ 6 trong câu 4 niêm với chữ 2 và chữ 6 trong câu 5 (các chữ màu xanh dương).

1.1.3 d Chữ 2 và chữ 6 trong câu 6 niêm với chữ 2 và chữ 6 trong câu 7 (các chữ màu xanh là cây).

Thật ra do luật bằng trắc đòi hỏi, một bài thơ đúng niêm các câu 1, 4, 5, và 8 niêm với nhau và các câu 2, 3, 6 và 7 niêm với nhau.

Các dạng thơ Luật Bằng Vần Trắc, Luật Trắc Vần Bằng và Luật Trắc Vần Trắc cũng niêm như thơ Luật Bằng Vần Bằng.

1.1.4 Vận trong thơ Thất Ngôn Bát Cú

 Vận hay vần của bài thơ là vần của những chữ cuối câu.

1.1.4a Trong bài thơ Vần Bằng, các chữ cuối câu 1, câu 2, câu 4, câu 6 và câu 8 phải là thanh bằng và cùng vần.

1.1.4 b Trong bài thơ Vần Trắc, các chữ cuối câu 2, câu 4, câu 6 và câu 8 phải là thanh bằng và cùng vần.

1.1.5 Biệt Lệ

 Bài thơ đúng luật không bị thất niêm (không đúng niêm) hay lạc vận (sai vần). Luật bằng trắc được áp dụng chặt chẽ trong thi cử thời xưa. Luật bằng trắc rất khó tuân thủ 100% nên trong sáng tác bình thường có thể vận dụng biệt lệ "Nhất Tam Ngũ bất luận, Nhị Tứ Lục phân minh". Nhị tứ lục phân minh có nghĩa là chữ 2, 4 và 6 trong mỗi câu phải theo đúng quy định bằng trắc của dạng bài thơ (phần 1.1.2 Luật). Nhất tam ngũ bất luận có nghĩa là các chữ 1, 3 và 5 xài thanh bằng hay trắc cũng được. Sự nới rộng nầy trong luật thơ Đường làm cho việc dịch và làm thơ Đường Luật có phần dễ dàng hơn.

Theo Lê Nguyễn Lưu trong Đường Thi Tuyển Dịch, luật thơ trong cung đình khoa cử đòi hỏi:

· bài thơ luật bằng vần bằng (1.1.2b) có câu 1 như sau: B B T T T B B

· bài thơ luật trắc vần trắc (1.1.2d) có câu 1 như sau: T T B B B T T

Nhờ có biệt lệ "nhất tam ngũ bất luận", nên dạng thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể được trình bày đơn giản để các câu từ 1 đến 8 của bài thơ luật trắc giống nhau, ngoại trừ chữ cuối của câu 1 phải thuộc thanh trắc hay thanh bằng. Các bài thơ luật bằng cũng giống nhau như thế. Tóm lại 4 dạng thơ trong đoạn 1.1.2 có thể gộp lại làm 2 dạng luật trắc hay luật bằng, mỗi dạng có thanh trắc hay thanh bằng ở chữ cuối câu 1.

Thơ Luật Trắc:

1. T T B B B/T T T/B (V)
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
8. T T B B T T B (V)

Thơ Luật Bằng:

1. B B T T B/T B T/B (V)
2. T T B B T T B (V)
3. T T B B B T T
4. B B T T T B B (V)
5. B B T T B B T
6. T T B B T T B (V)
7. T T B B B T T
8. B B T T T B B (V)

 Xem ví dụ dưới đây về một bài thơ luật trắc áp dụng "Nhất Tam Ngũ bất luận". Bài Lệ của Lý Thương Ẩn luật trắc thanh bằng, rất chỉnh về niêm vận. Câu 1, câu 3, câu 4, câu 6, câu 7 và câu 8 từng chữ theo đúng luật bằng trắc. Tuy nhiên, chữ 3 câu 2, chữ 1 và 3 câu 5 (các chữ được gạch dưới)đã xử dụng "Nhất Tam Ngũ bất luận".

1. T T B B T T B (V)
2. B B T T T B B (V)
3. B B T T B B T
4. T T B B T T B (V)
5. T T B B B T T
6. B B T T T B B (V)
7. B B T T B B T
8. T T B B T T B (V)

Lệ - Lý Thương Ẩn

1. Vĩnh hạng trường niên oán ỷ la
2. Ly tình chung nhật tứ phong ba
3. Tương giang trúc thượng ngân vô hạn
4. Nghiễn thủ bi tiền sái kỷ đa
5. Nhân khứ Tử đài thu nhập tái
6. Binh tàn Sở trướng dạ văn ca
7. Triêu lai Bá thuỷ kiều biên liễu
8. Vị để thanh bào tống ngọc kha.

淚 - 李商隐
 永巷長年怨綺羅
离情終日思風波
湘江竹上痕無限
峴首碑前洒几多
人去紫台秋入塞
兵殘楚帳夜聞歌
朝來灞水橋邊問
未抵青袍送玉珂

Dịch thơ: Nước Mắt

Ngõ vắng quanh năm oán lụa là
Hận tình ly biệt nhớ phong ba
Sông Tương trúc thấm bao hằn vết (1)
Núi Nghiễn (2) trước bia lệ ướt nhoà 
Gác tía (3 )người rời thu đến ải
Sở quân tan rả (4 )tối nghe ca
Sớm mai viếng liễu cầu sông Bá
Chưa chạm áo bào tiễn Ngọc Kha ( 5.)


1. Bên bờ sông Tương có mọc loại tre vệt đốm như giọt nước mắt gọi là Tương phi trúc. Tục truyền sau khi vua Thuấn mất, hai người vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh tìm đến bên bờ sông Tương khóc và trầm mình. Nước mắt hai người khóc thấm vào những cây trúc mọc bên bờ sông, từ đó trên thân trúc lốm đốm vết.

2. Núi Nghiễn là nơi có bia Dương Hổ đời Tấn. Dương Hổ là một vị quan liêm chính được dân chúng thương mến. Khi ông mất, người ta dựng tấm bia trên núi Nghiễn, là nơi ông thường đến ngắm cảnh, để ca ngợi công đức của ông. Sau nầy, người đến thăm tấm bia này thường tưởng nhớ ông mà khóc, vì vậy có người gọi là Trụy lệ bi (bia rơi lệ).

3. Tử Đài (gác tía) là cung đẹp đời nhà Hán nơi Vương Chiêu Quân ở trước khi bị đi cống Hồ vì không đút lót cho bọn quan tham ô.

4. Thời Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang vây Hạng Võ ở Cai Hạ. Trương Lương, mưu sĩ của Lưu Bang, thổi sáo ai oán và sai quân Hán hát những bài ca nước Sở làm tan rã tinh thần quân Sở. Sỡ quân chán nản, bỏ trốn gần hết. Hạng Võ thua làm bài Cai Hạ Ca rất bi tráng, uống rượu và hát với vợ là Ngu Cơ. Ngu Cơ dùng gươm tự sát, Hạng Võ chạy đến sông Ô rồi cũng tự tử.

5. Ngọc kha là một thứ đá giống như ngọc, còn gọi là bạch mã não, người xưa dùng để trang sức. Ngọc Kha cũng có thể là tên một người con gái.

2.2 Cấu Trúc Của Thất Ngôn Bát Cú

Ngoài hình thức chặt chẽ của luật bằng trắc nói ở đoạn 2.1, một bài Thất Ngôn Bát Cú, gồm 56 chữ chia làm 8 câu mỗi câu 7 chữ, phải nói lên trọn vẹn một câu chuyện với một cấu trúc và đối xứng nhất định.

2.2.1 Cấu Trúc

Nội dung câu chuyện phải diễn tả theo trình tự 4 phần:

2.2.1 a Đề

Đề ấn định bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra và gồm có hai phần:

· Phá đề gồm câu 1 mở đầu hoặc giới thiệu câu chuyện.

· Thừa đề gồm câu 2 nối tiếp ý cho biết thời điểm, nơi chốn...

2.2.1b Thực

Thực hoặc trạng gồm câu 3 và câu 4 nói lên ý định, nội dung bài thơ.

2.2.1c Luận

Luận gồm câu 5 và câu 6 bàn luận rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.

2.2.1 d Kết

Kết gồm câu 7 và câu 8 chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.

2.2.2 Đối Xứng

Các câu đối với nhau phải chỉnh về tình, đối về ý, âm thanh và thể loại từ ngữ... Âm thanh như trắc đối với bằng hoặc bằng đối với trắc. Thể loại từ ngữ có nghĩa là danh từ phải đối với danh từ, tính từ phải đối với tính từ, động từ phải đối với động từ, cụm từ phải đối với cụm từ...

2.2.2a Câu 3 và câu 4 phải đối nhau về ý và về từ ngữ. 2.2.2b Câu 5 và câu 6 phải đối nhau như câu 3 và câu 4.

2.2.2 c Câu 1 và câu 2 cũng như câu 7 và câu 8 không phải đối nhau về ý và từ ngữ, nhưng phải đối nhau về bằng trắc.

2.2.3 Vì cần niêm 2.1.3, đối xứng 2.2.2 và để tạo âm điệu, 7 chữ trong mỗi câu thơ  Thất Ngôn Bát Cú được chia ra 3 nhóm nhất định: 2 chữ, 2 chữ và 3 chữ. Không phải là 3, 2 và 2 như trong một thể thơ của Việt Nam.

2.3 Phân Tích Một Bài Thơ mẫu

Đề hiểu rõ cấu trúc và nguyên tắc đối xứng của một bài thơ luật Thất Ngôn Bát Cú không gì bằng phân tích một bài thơ hay như bài Thu Hứng của Đỗ Phủ.

秋興 - 杜甫

玉露凋傷楓樹林
巫山巫峽氣蕭森
江間波浪兼天湧
塞上風雲接地陰
叢菊兩開他日淚
孤舟一繫故園心
寒夜處處催刀尺
白帝城高急暮砧

Thu Hứng - Đỗ Phủ

1. Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
2. Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm
3. Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
4. Tái thượng phong vân tiếp địa âm
5. Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
6. Cô chu nhất hệ cố viên tâm
7. Hàn y xứ xứ thôi đao xích
8. Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Dịch thơ: Hứng Thu

Rừng phong sương trắng cảnh tiêu điều
Hiểm trở ngàn non thu hắt hiu
Sóng vọt lưng trời sông cuộn cuộn
Mây sà mặt đất ải cô liêu
Hai lần khóm cúc khơi nguồn lệ
Một lượt con thuyền trói dấu yêu
Dao thước rộn ràng may áo lạnh
Chày vang thành Bạch bóng về chiều.

Bài Thu Hứng theo luật trắc (chữ lộ trong câu 1 thanh trắc) và vần bằng (chữ lâm trong câu 1 thanh bằng). Niêm rất chặt chẻ. Các câu 1, 2, 4, 6 và 8 có chữ cuối đều vần âm thanh bằng.

2.3.1 Đề

Phá đề: Câu 1

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Rừng phong sương trắng cảnh tiêu điều

Tả cảnh rừng cây phong mùa thu bị tiêu điều vì sương tuyết trắng.

Thừa đề: Câu 2:

Vu SơnVu Giáp khí tiêu sâm
Hiểm trở ngàn non thu hắt hiu

Phát triển bối cảnh không gian của mùa thu. Vùng Vu Sơn Vu Giáp ở thượng lưu sông Trường Giang là vùng núi non hiểm trở và hùng vĩ. Mùa thu ảm đạm hiu hắt với khí hơi mù mịt khắp nơi.

2.3.2 Thực

Câu 3 và câu 4:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Sóng vọt lưng trời sông cuộn cuộn
Mây sà mặt đất ải cô liêu

Tả mùa thu trên sông, nước chảy băng băng, sóng nhỏ nhưng vọt lên tới lưng trời. Nước chảy qua vùng núi sông quanh co nhỏ hẹp lại. Trong khi đó trên cửa ải, mây sa đến sát mặt đất làm trời tối sầm lại. Mây không lơ lửng trên không trung như trong những ngày quang đảng.

Về đối, rất chỉnh về ý, về từ ngữ, cũng như về bằng trắc: giang gian đối với tái thượng, ba lãng đối với phong vân, kiêm thiên dũng đối với tiếp địa âm.

2.3.3 Luận

Câu 5 và câu 6:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hai lần khóm cúc khơi nguồn lệ
Một lượt con thuyền trói dấu yêu

Gói ghém tâm sự của thi nhân trước cảnh mùa thu, đã xa quê hương 2 năm, đã từng khóc vì nhớ quê nhà. Hôm nay trên đường về quê, thuyền lại không đi được, bị cột chặt một chỗ và trói buộc lòng nhớ quê hương theo thuyền.

Về đối, tùng cúc đối với cô chu, lưỡng khai đối với nhất hệ, tha nhật lệ đối với cố viên tâm.

2.3.4 Kết

Câu 7 và câu 8: Hàn y xứ xứ thôi đao xích Bạch Đế thành cao cấp mộ châm
Dao thước rộn ràng may áo lạnh
Chày vang thành Bạch bóng về chiều.

Chuyển ý và tóm lượt, mùa thu buồn không phải chỉ riêng cho tác giả vì chưa về được quê hương. Thời nhà Đường là thời chiến tranh triền miên. Dấu hiệu của sự nhớ nhung vì xa cách ở khắp nơi nơi: kéo thước rộn ràng, chày giặt áo quần dội vang trong thành. Người ta may, giặt áo lạnh để kịp thời gởi ra biên thùy cho chồng, cho con, cho người thương yêu mặc vào mùa đông lạnh sắp đến.

  Thể thất ngôn bát cú được nhiều người làm sống lại bằng những hình thức cách tân noi theo bước chân tiên phong của các nhà thơ tiền bối có bản lĩnh sáng tạo như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… mạnh dạn từ bỏ phong cách quý phái, đài các, cung đình: ưa xài điển tích, thích dùng Hán tự, vọng ngoại, vọng bản, bắt chước, sáo mòn… để trở về với tình tự cội nguồn dân tộc Việt Nam đầy sinh động và sáng tạo của mình. Ngoài dạng thơ Đường chuẩn luật là “thất ngôn bát cú” còn có các biến thể sau: Thất ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn tứ tuyệt, Ngũ ngôn bát cú, Yết hậu...
  Trên đây chỉ là những quy tắc căn bản, khi làm thơ Đường Luật có nhiều thi gia đôi lúc không răm rắp tuân theo trăm phần trăm mà bài thơ vẫn hay, vì tác giả đặt cái thần, cái hồn của bài thơ cao hơn luật.

Đăng nhận xét