Đạo học ngày nay đã chán rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?
Thề có ông tiên, thứ chỉ tôi !
Tú Xương
Đồng văn đồng hóa? kể xong rồi
Tiếng Hán mang vào giáo dục thôi
Lão bản bút lông hàng đắt khách
Pen xồ quán vắng chỏng chơ ngồi
Méc xì thay thế đành cung hỷ
Xia xỉa quên thời Lép Tốn Xôi
Nếu lỡ mai này thôi tiếng Việt?
Gu gồ dùng tạm dịch thơ tôi!
Đá Văn Bèo
-Méc xì:merci-cảm ơn
-cung hỷ:恭喜-chúc mừng
-Xia xỉa:谢谢-cảm ơn
-Lép Tốn Xôi:Лев Николаевич Толстой- Lev Nikolayevich Tolstoy-tên nhà văn người Liên Xô
-Gu gồ:Google-Phần mềm tìm kiếm,dịch thuật...
Bài thơ "Than Đạo Học" của Tú Xương và bài họa "Than Đạo Học" có chung một chủ đề là châm biếm và phê phán về tình trạng giáo dục, đặc biệt là tình trạng học thuật và sự đổ về học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Hán.
Phân tích "Than Đạo Học" của Tú Xương:
Chán Chường và Nhàm Chán:
"Đạo học ngày nay đã chán rồi, Mười người đi học, chín người thôi" - Mô tả sự chán chường và nhàm chán trong học thuật, khiến mọi người dần mất hứng thú.
Thầy Cô và Sĩ Khí Rụt Rè
"Cô hàng bán sách lim dim ngủ, Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi, Sĩ khí rụt rè gà phải cáo" - Miêu tả sự mệt mỏi và rụt rè của giáo viên và học sinh trong quá trình học.
Phong Cách Viết và Học Thuật
"Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi" - Châm biếm về phong cách viết và học thuật, đặc biệt là trong văn chương.
Sự Tự Hào và Ông Tiên
"Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ? Thề có ông tiên, thứ chỉ tôi!" - Tổ chức và ông tiên là biểu tượng của sự tự hào và lòng tự trọng của tác giả.
Phân tích "Bài Họa Than Đạo Học":
Văn Đồng Hóa và Sự Thiếu Tự Do:
"Đồng văn đồng hóa? Kể xong rồi, Tiếng Hán mang vào giáo dục thôi" - Chỉ trích sự đồng đồng hóa trong giáo dục và sự thiếu tự do ngôn ngữ.
Sự Chậm Chạp trong Cải Cách
"Lão bản bút lông hàng đắt khách, Pen xồ quán vắng chỏng chơ ngồi" - Chê trách sự chậm chạp trong cải cách giáo dục, đặc biệt là việc áp dụng ngôn ngữ và bảng chữ cái Latinh.
Sự Thay Đổi và Bất Lực
"Méc xì thay thế đành cung hỷ, Xia xỉa quên thời lép tốn xôi" - Mô tả sự thay đổi và cải cách bất lực, có vẻ như việc thay đổi không mang lại kết quả tích cực.
Ngôn Ngữ Ngoại Lạc
"Nếu lỡ mai này thôi tiếng Việt? Gu gồ dùng tạm dịch thơ tôi!" - Lo ngại về việc tiếng Việt có thể mất đi và sự khó khăn khi dùng ngôn ngữ ngoại lạc.
Cả hai tác phẩm đều chứa đựng sự bức xúc và lo ngại của tác giả về hệ thống giáo dục, sự đồng nhất và thay đổi trong ngôn ngữ học thuật.
Tú Xướng-Nhà thơ trào phúng,hiện thực phê phán
Trần-Tế-Xương (có nơi viết lầm là Trần-Kế-Xương) là một khuôn-mặt rất đặc-biệt trong văn-học sử Việt-Nam. Chữ Xương (昌) theo Từ-Điển Hán-Việt có nhiều nghĩa. Xương-ngôn 昌言 (Lời nói hay, lời nói thẳng), xương-minh 昌明 (sáng-sủa, rõ-rệt), bang-nãi kỳ-xương 邦乃其昌 (quốc-gia thịnh-vượng, tốt-đẹp); và, vạn-vật được gọi là xương, bách-xương 百昌 (trăm vật). Nhiều người lầm-tưởng tên ông là xương máu, xương thịt, xương gân hay xương-cốt (骨) nên lấy bút-hiệu là Tú-Gân, Tú-Nạc hay Tú-Sụn…để làm đệ-từ của ông.Ông đậu Tú-Tài năm Giáp-Ngọ (1894), năm ông 24 tuổi, nên người ta gọi ông là Tú-Xương, nhưng về sau, ông lại thi hỏng (rớt, trượt) Cử-Nhân bốn khoa liền (có nơi viết năm khoa). Khoa thi năm 1894, lấy 60 Cử-Nhân và 200 Tú-Tài (lệ triều-đình đặt ra, thường theo tỉ-lệ nhất cử tam tú, cứ một Cử-Nhân, lấy ba Tú-Tài).
Ngày nay, không có một di-cảo hay tài-liệu nào đáng tin-cậy nói về ông. Có lẽ hồi còn sinh-thời, nhà thơ sáng-tác dường như chỉ để đọc lên cho vợ con, bạn-bè nghe, rồi người-đời sau truyền tai nhau.
“Ba cái lăng-nhăng” của Trần-Tế-Xương là “một trà, một rượu, một đàn-bà” mà nhiều lần ông đã thề từ-bỏ. Trong “ba cái lăng-nhăng”, ông chỉ chừa được hai cái. Thế là tốt lắm rồi. “Có chăng chừa rượu với chừa trà”. Còn “cái đàn bà” thì…xin chịu, chừa mãi mà chưa được.
Một trà, một rượu, một đàn-bà,
Ba thứ lăng-nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
Đúng như Trần-Tế-Xương nói, chừa được thứ nào hay thứ nấy. Ông cảm-thấy bất-lực trong chuyện “chừa đàn-bà”. Đàn-bà, một trong “ba cái lăng-nhăng nó quấy” ông suốt-đời…
Không có tấm ảnh chụp nào của Trần-Tế-Xương vào thời đó để hậu-thế thấy ông đẹp-trai ra sao. Theo một người bạn cùng trường, Trần-Tế-Xương cũng “sạch nước cản” lắm.
Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình-dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang-sảng ngâm thơ-phú,
Gót ngọc khoan-khoan dạo phố-phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư-hương.
Lúc nhỏ, có tên là Trần-Duy-Uyên. Vì sự im-lặng của Tộc-phả, chúng tôi đành phải dùng phương-pháp suy-luận, mong Độc-Giả thông-cảm. Lúc đầu ông mang họ Phạm, sau lấy họ Trần theo họ Vua vì gia-tộc ông có công lớn (được phong quốc-tính). Gốc-Tích Họ Trần Duyên-Hưng có nói đến điều đó.
Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh-Ngọ), ở làng Vị-Xuyên, huyện Mỹ-Lộc, tỉnh Nam-Định (sau đổi thành số nhà 247 phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh-Khai, phường Vị-Xuyên, thành-phố Nam-Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907.
Từ nhỏ Trần-Tế-Xương đã nổi-tiếng thông-minh, nhưng lận-đận thi-cử mãi. Ông nhất-quyết “giựt lấy mảnh bằng” để thay-đổi cuộc-đời. Ông đã đi thi tám lần nhưng rốt cục chỉ đậu Tú-Tài. Mục-đích của ông là đậu (đỗ) Cử-Nhân vì được gọi ra làm quan trong triều-đình, hưởng bổng-lộc vua ban cho vợ đỡ vất-vả.
Vì lý-do phức-tạp của vấn-đề tổ-chức thi-cử (địa-điểm, giám-khảo, số-lượng thí-sinh quá đông, chỗ ăn ở cho các thí-sinh, vấn-đề vệ-sinh…), nên ngày xưa, thông-thường cứ ba năm mới tổ-chức một Khoa, vị chi ông đã lều-chõng đi thi tất-cả hai mươi năm (8 Khoa, trừ 2 Khoa đầu cách nhau 2 năm.) Vậy mà cuối-cùng (1906, lúc ông đã 36 tuổi) vẫn chỉ có bằng Tú-Tài.
Lần đầu khi mới 16 tuổi, ông đã tham-dự khóa năm Bính-Tuất (1886),sau khi Vua Đồng-Khánh lên ngôi 1 năm. Lần thứ hai năm Mậu-Tý (1888), năm Vua Đồng-Khánh mất. Sáu lần sau là năm Tân-Mão (1891, năm Thành-Thái thứ 2), Giáp-Ngọ (1894), Đinh-Dậu (1897), Canh-Tý (1900), Quý-Mão (1903) và Bính-Ngọ (1906). Ông bị trượt vỏ chuối (trượt, rớt, hỏng) ba lần, đến khoa Giáp-Ngọ (1894) mới đậu Tú-Tài vớt (tú-tài thiên thủ). Rồi ông lại ghi tên thi Cử-Nhân liên-tiếp bốn khoa nữa, nhưng đều hỏng cả. Năm Qúy-Mão (1903), ông đổi tên lót từ Tế (濟) sang Cao (高) để thử thời-vận, nhưng vẫn hỏng, khoa sau (1906) ông đi thi một lần nữa, vẫn không đậu, rồi ông bỏ luôn.
Năm Canh-Tý (1900) có cụ Phan-Bội-Châu đậu Thủ-Khoa Trường Nghệ (Nghệ-An), Phan-Châu-Trinh đậu Cử-Nhân thứ ba ở trường Thừa-Thiên, còn Huỳnh-Thúc-Kháng đậu Giải-Nguyên trường Quảng-Nam.
Các tài-liệu từ xưa đến nay nói Trần-Tế-Xương chỉ làm thơ bằng tiếng Nôm. Ông là tác-giả khoảng gần hai trăm tác-phẩm, nhiều nhất là thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát; phú; văn tế; câu đối; hát nói. Ở thể loại nào, Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ-sĩ tài-giỏi. Ông là một Nhà Thơ trào-phùng nổi-tiếng ở nước ta.
Chế-độ khoa-cử Việt-Nam đã có từ đời vua Lý-Nhân-Tông (1075).Trong gần 9 thế-kỷ, chế-độ này hoàn-toàn theo người Tầu, mãi đến đời vua Khải-Định (1919) mới bỏ Chữ Nho.
Các thí-sinh phải tuân-theo một số quy-định của triều-đình. Ai vi phạm, có thể bị đánh hỏng, phạt-vạ, hoặc gia-tộc có thể bị liên-hệ. Những quy-định này gọi là húy. Trần-Tế-Xương đã dự thi nhiều lần. Ông không tránh khỏi phạm trường-quy. Những hình-phạt nhiều khi rất nặng.
Vẫn chưa khẳng-định được có bài thơ chữ Hán nào của Tú-Xương, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ-điển của ông: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát; phú; văn tế; câu đối; hát nói; Ở thể loại nào, Tú-Xương cũng tỏ ra là một nghệ-sĩ có hạng.
1. Thương vợ: Có lẽ người phụ-nữ mà Tú-Xương mắc-nợ nhiều nhất là vợ mình. Năm 16 tuổi, ông lập gia-đình với Bà Phạm-Thị-Mẫn. Sách không ghi ông đi thi rồi mới lấy vợ hay lấy vợ rồi mới đi thi. Chúng ta phỏng-đoán trường-hợp thứ hai xẩy ra. Vậy là, ông lấy vợ rồi mới đi thi, để rảnh-rang
và để có người lo hầu-hạ khi ông phải lo học-thuộc “ba chữ Thánh-Hiền.” Vả lại, ngày xưa người-ta thường lập gia-đình sớm.
Bà Mẫn thực-sự là một người vợ suốt-đời hy-sinh vì chồng-con. Trước sau, ông có với bà 8 đứa con (6 trai, 2 gái). Bà là người phụ-nữ Việt-Nam điển-hình của xã-hội thời xa-xưa. Ông đi thi tất cả 8 lần, 20 năm, chỉ đem về cho Bà cái bằng Tú-Tài (1894). Chuyện tần-tảo buôn-bán đều do một tay Bà Tú.Có thể nói chuyện học-hành, thi-cử của ông, bà không bao giờ biết tới.Ông chỉ có việc lo ăn, đi thi, và đi…chơi tếu. Một quan là sáu trăm đồng, chắt-chiu tháng tháng cho chồng đi thi… (Trăng Sáng Vườn Chè--Thơ Nguyễn-Bính – Văn-Phụng phổ-nhạc). Bà đã “chịu-đựng” ông suốt 20 năm dòng-giã, vất-vả mưa nắng, chịu thương chịu khó, một mình nuôi mấy miệng ăn trong nhà, không hở-môi than-thở bao-giờ.
Quanh năm buôn-bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn-lội thân cò khi quãng-vắng,
Eo-sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành-phận,
Năm nắng mười mưa dám quản-công.
Cha mẹ thói-đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ-hững cũng như không.
Ông làm cả một bài Văn-tế sống vợ, lời-lẽ rất thống-thiết để ca-tụng bà, dù bà không đẹp nhưng có lòng tốt đối-với chồng con và họ-hàng, có tài buôn-bán.
Con gái nhà-dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn-nhụi, chân tay trắng-trẻo, ai dám chê rằng béo, rằng lùn?
Người ung-dung, tính-hạnh khoan-hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!
Đầu sông bãi bến, đua-tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô-nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên-răn, kẻ thầy người tớ
Ông tu-tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu
Anh lăm-le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ
Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng-Lạc, tối Viễn-Lai, mà lòng mình sợ?
Thôi thôi
Chết quách yên mồ
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh-tứ, ngày khác sẽ hay
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong-chơi Lãng-Uyển, Bồng-Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn-vẹn đạo chồng nghĩa vợ.
Hàng Thao, phố Giấy:Phố Hàng Thao (Nam-Định) và Phố Hàng Giấy (Hà-Nội):Thời Pháp thuộc, phố này có nhiều nhà hát ả-đào (gọi là cô đầu Hàng Giấy).
Tràng-Lạc, Viễn-Lai:Hai Tiệm-ăn lờn ở Nam-Định thời đó.
Chữ nhất phẩm: Quan-lại đứng đầu triều đình thuộc hàm Nhất-phẩm.
Lãng-Uyển, Bồng-Hồ: Vườn tiên, Hồ Bồng. Cảnh chỉ có trên Tiên-giới.
Trong lịch-sử Thi Hương, có lẽ Trần-Tế-Xương là một trong số vài người dự-thi nhiều nhất. Vì thi mãi không đậu, ông đâm ra thất-chí, cay-cú, chán-đời, ăn-chơi, làm thơ trào- phúng trêu-ghẹo mọi người, kể cả mình. Ở ông, người-ta thấy câu “học tài, thi phận” rất đúng. Ông là người học-giỏi nhưng không có “duyên” với thi-cử. Việc học-hành, thi-cử khiến hoàn-cảnh của ông càng ngày càng nghèo hơn. Ông là người bền-tâm với đèn-sách suốt hai mươi năm, chỉ mong có được mảnh bằng thay-đổi đời mình.
2. Chế-diễu bản thân:
Cảnh nghèo-đói và bị hỏng thi đã tô-đậm trong thơ Tú-Xương. Thay cho tiếng khóc, ông lại cười-cợt với cảnh nghèo của mình, vì thế những cảnh nghèo của ông đã làm cho người ta cười ra nước mắt.
Ông tự chế-riễu bản-thân mình như trong bài Phỗng sành:
Ở phố Hàng-Nâu có phỗng-sành
Mắt thời thao-láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài-bạc kiệu-cờ cao nhất xứ
Rượu-chè trai-gái đủ tam khoanh
Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi,
Cứ việc ăn-chơi chẳng học-hành.
tam khoanh: có kinh-nghiệm, cái gì cũng biết.
Nhưng rồi, được vợ nuôi, ông vẫn ăn chơi như trong bài Hỏi ông trời:
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì:
Biết ngồi Thống-Bảo, biết đi ả-đầu
Biết thuốc-lá, biết chè-tàu
Cao-lâu biết vị, hồng-lâu biết mùi.
thống-bảo: quán cà-phê
ả-đầu (ả-đào): nhà-hát, ổ-điếm trá-hình.
cao-lâu: nhà hàng sang-trọng.
hồng-lâu: ổ điếm.
Cười mình
Nước muốn cho trong phải đánh phèn
Cớ sao lại giữ thói bon-chen
Sá-chi người thế lòng xanh trắng
Chỉ tại thân ta vận đỏ-đen
Ðể bụng phải đeo điều nhẹ nặng
Ôm tai mặc-quách tiếng chê-khen
Làm chi việc ấy mà lo-liệu
Ai nghĩ như ai chả cũng hèn.
Hỏi đùa mình
Ông có đi thi ký-lục không ?
Nghe ông quốc-ngữ học chưa thông
Ví dù nhà-nước cho ông đỗ
Mỗi tháng lương ông được mấy đồng.
ký-lục: thư-ký ghi-chépsổ-sách giấy tờ trong các sở thời Pháp thuộc.
Ông tâm-sự trong bài Đi Thi:
Tấp-tểnh người đi tớ cũng đi,
Cũng lều, cũng chõng, cũng vào thi.
Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn,
Sờ bụng, thầy không một chữ gì!
Lộc-nước còn mong thêm giải-ngạch
Phúc nhà nay được sạch trường-qui.
Ba kỳ trọn-vẹn thêm kỳ nữa,
Ú ớ u ơ ngọn bút-chì.
Ú ớ u ơ: không quen
3. Nghèo:
Than nghèo
Cái khó theo nhau mãi thế thôi
Có ai, hay chỉ một mình tôi
Bạc đâu ra miệng mà mong được
Tiền chửa vào tay đã hết rồi
Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ-hôi
Biết rày, thuở bé (trước) đi làm quách
Chẳng ký, không thông cũng cậu bồi.
Ta thấy rưng-rưng, cảm-thông với hoàn-cảnh của ông “van nợ lắm khi tràn nước mắt, chạy ăn từng bữa toát mồ-hôi”. Nếu biết thế, ngày nhỏ ông đi làm cho xong, không ở văn-phòng, cũng là thông-ngôn hay ít nhất cũng là cậu bồi bưng chén-bát trong nhà-hàng cho Tây rồi.
Cảm tết
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy…
Giò-lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
quẩy: làm, chế-biến, gánh về.
nồm:gió Đông-Nam thổi, gió mạnh.
Nghèo như Trần-Tế-Xương là “nghèo rớt mùng-tơi” rồi. Ta thấy ông còn đùa-cợt với cái nghèo của mình. Tiền còn trong kho, rượu nhắn đem tới, hàng còn làm biếng gánh về, bánh chưng sắp gói, giò lụa toan làm…toàn là những thứ ao-ước, mộng-tưởng xa-vời, không bao-giờ xẩy ra.
4. Hỏng thi:
Phú hỏng khoa Canh-Tý
Rát hơn lửa bỏng,
Hổ bút hổ nghiên;
Tủi lều, tủi chõng.
Khoa Canh-Tý: 1900.
Trong bài Buồn Thi Hỏng, ông than-thở:
Bụng buồn còn muốn nói-năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
Một việc văn-chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân-thế có ra gì!
Được gần trường-ốc vùng Nam-Định
Thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ.
Rõ thực nôm hay mà chữ tốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường-quy.
cánh: nhóm, bọn.
Hỏng thi khoa Quý-Mão (1903)
Trách mình phận hẩm lại duyên ôi!
Ðỗ suốt hai trường hỏng một tôi
Tế đổi làm Cao mà chó thế
Kiện trông ra Tiệp, hỡi trời ơi!
Mong gì nhà-nước còn thi nữa
Biết rõ anh em chẳng chắc rồi
Mũ áo biển cờ, làng có đất
Ô hay, hương vận mãi chưa hồi!
Ai có đi thi và có lần thi hỏng, mới thấy cái “đệ nhất buồn là cái hỏng thi”.Huống chi ông đã thi-hỏng liên-miên, chỉ vì phạm-húy. Thời xưa, nhiều người đi thi, thường bị đánh hỏng, không phải là do không thuộc lầu kinh-sử Thánh-hiền, mà là do phạm húy, phạm phải những điều cấm-kỵ.Tưởng cũng nên nhắc ở đây việc thi-cử ngày xưa để các bạn trẻ hiểu được lề-lối này: Ngày xưa, nước ta theo chế-độ Quân-Chủ, trong nước cao nhất có vua rồi đến các quan-lại. Vấn-đề khoa-cử phần lớn bắt-chước nước Trung-Hoa. Các khóa Thi Hương được tổ-chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu; còn các khóa Thi Hội vào năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất (bắt-chước Tầu).Vì tổ-chức nhiêu-khê, tốn-kém công-quỹ, cứ 2 hay 3 năm Triều-Đình mới có thể tổ-chức một kỳ thi. Các trường thì thường được dựng ngay trên những khu đất bằng-phẳng hay trước đình làng.Các kỳ-thi thường tổ-chức ở Hà-Nội (Trường Hà), Trường Nam (Nam-Định), hay có khi ở Trường Nghệ (Nghệ-An), vân-vân…
Khóa thi Hương 1889 (Đinh-Dậu).Các thí-sinh xem kết-quả thi.
(Hình:Internet)
Ba khoa thường được các triều vua gọi là thi Hương, thi Hội và thi Đình, tùy theo trình-độ cao-thấp.
Thi Hương (Hương Thí): là khoa thì tại tỉnh (xứ) hay từng địa-phương. Khoa thi này có ba kỳ, gọi là Tam Trường, hay bốn kỳ, gọi là Tứ Trường. Thí sinh có thể thi 3, 4 kỳ một lúc, nhưng thường-thường phải tuần-tự. Đậu Trường Nhất (Nhất-Trường) mới được dự thi Trường Nhì (Nhị-Trường). Kế tiếp tới Trường Tam (Tam-Trường). Qua được Trường Tam(ba trường), mới được công-nhận là Sinh-Đồ (Tú-Tài hay Ông Đồ). Nhưng những người đậu Tú-Tài thường không được gọi ra làm quan.Người đậu đầu Thi Hương là Giải-Nguyên. Người đậu hai khoa Tú-Tài gọi là Kép, ba khoa là Mền (Ông Kép, Cụ Mền.)
Đỗ Tú-Tài tuy không được triều-đình bổ-dụng, nhưng đối với làng tổng, cũng “oai” lắm. Người đỗ thăng từ hạng “thường-dân” lên hạng “chức-sắc”, có chân trong hội-đồng kỳ-mục, được miễn sưu-dịch, và khi có cỗ-bàn trong đình thì được ngồi trước. Nếu đậu Cử-Nhân, ngoài việc được phép dự thi Hội, còn được bổ-nhiệm làm những ngạch thuộc cửu-phẩm, được vua ban áo mũ và làng xã phải phục-dịch, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, đón-tiếp linh-đình, trọng-thể.
Có những thí-sinh ghi tên thi đi thi lại nhiều lần cùng một trình-độ nhưng vẫn chỉ đậu cùng một bằng, như Trần-Tế-Xương, ghi tên thi Hương 8 lần, vẫn chỉ được chấm đậu Tú-Tài.
Nhắc lại, trong một ngàn năm bị giặc Tầu đô-hộ, có tới hơn chín thế-kỷ, nước ta phải lệ-thuộc họ về vấn-đề khoa-cử, nghĩa là khoa-cử lấy chữ Nho làm gốc. Các thí-sinh đi thi phải thông-thuộc Ngũ-Kinh (kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Xuân-Thu và kinh Dịch của Khổng-Tử hay do ông hiệu-đính), Tứ-Thư (Đại-Học, Trung-Dung, Mạnh-Tử và Luận-Ngữ của Chu- Hy), văn-sách…Tầu, không được suy-nghĩ tự-do ngoài sách-vở.
Rất dễ lầm-lẫn các chữ Nho với nhau. Tục-ngữ Việt-Nam có câu “chữ tác (作, bộ nhân) đánh ra chữ tộ (怍,bộ tâm)” là thế. Chữ kiện (鍵) mà ông trông thành chữ tiệp (捷), nên bị đánh hỏng. Ta thấy phần bên phải của các chữ này rất giống nhau và dễ trông-lầm, đến Tú-Xương phải than-trời, ông trách “mình phận hẩm lại duyên ôi!
Các bạn của ông đều thi “đỗ suốt cả hai trường” ngoại trừông.
Thi Hội được gọi là "hội-thi cử-nhân" hay "hội-thi cống-sĩ". Các cử-nhân hay cống-sĩ (người đã đỗ thi Hương) ở các địa-phương, tụ-hội lại ở kinh đô để thi, vì vậy gọi là thi Hội.
Thí-sinh nào đậu cả bốn kỳ, được công-nhận trúng-cách thi Hội, nhưng không có học-vị gì cả. Nếu không tiếp tục thi Đình, vẫn chỉ là Hương-Cống hoặc Cử-Nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng-cách mới được công-nhận là Tiến-Sĩ (Thái Học-Sinh), nôm na gọi là ông Nghè. Người đỗ đầu gọi là Hội-Nguyên.
Những thí-sinh thiếu điểm để đỗ Tiến-Sĩ có thể được cứu-xét và cho học-vị Phó Bảng (ông Phó-Bảng hay Ất Tiến-Sĩ).
Năm 1919 (đời vua Khải-Định) là năm sau-cùng của khoa Thi Hội ở Việt-Nam.
Thi Đình: Kỳ thi cấp cao nhất tại sân đình nhà vua. Nơi thi có thể là một cái nghè lớn (Theo Wikipedia Mở, nghè có thể là một cái miếu thờ thần, nên sau này người ta thường gọi các thí-sinh vào thi là các ông nghè. Nhà vua trực-tiếp ra đề, và chính nhà vua tự tay phê người nào đậu.
Người đỗ đầu gọi là Đình-Nguyên.
Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam-Giáp:Bậc 3: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp (Đồng Tiến-Sĩ Xuất-Thân hay là ông Tiến-Sĩ).
Bậc 2: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến-Sĩ Xuất-Thân, Hoàng-Giáp hay ông Hoàng).
Bậc 1: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến-Sĩ Cập Đệ - gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam- Khôi: Đỗ hạng ba là Thám-Hoa (ông Thám), hạng nhì là Bảng-Nhãn (ông Bảng), đỗ đầu là Trạng-Nguyên (ông Trạng).
Yên-Đổ đỗ đầu thi Hương 1864 (Giải-Nguyên), thi Hội 1871 (Hoàng-Giáp) và thi Đình (Đình-Nguyên) nên được gọi là Tam-Nguyên Yên-Đổ.
Đôi khi chấm bài, chủ-khảo (có cả vua) thấy người thủ-khoa không đạt được điểm số tối thiểu để gọi là Trạng. Những khoa này sẽ không có Trạng-Nguyên - thủ-khoa giữ cấp Đình-Nguyên. Lê-Quí-Đôn đỗ đầu, nhưng chỉ được cấp vị Đình-Nguyên Bảng-Nhãn. (Có chỗ nói vì Khoa này -1752- không lấy người đỗ Trạng-Nguyên.)
Về sau, vua Minh-Mạng cải-tổ lại việc thi-cử và bỏ Đệ Nhất Giáp, và Trạng-Nguyên, Bảng-Nhãn không còn trên khoa bảng nữa.
Để giúp các bạn dễ nhớ, chúng tôi xin tóm-tắt như sau:
Thi Hương: Người đỗ kỳ thi Hương (Tú-Tài).
Thi Hội: Người đỗ kỳ thi Hội (Cử-Nhân).
Thi Đình: Người đỗ kỳ thi Đình (có 3 hạng):
-Người đỗ đầu: Tiến-Sĩ (ông Nghè) hay gọi là Trạng-Nguyên.
-Người đỗ thứ 2: Bảng-Nhãn.
-Người đỗ thứ 3: Thám-Hoa.
Trở lại với Tú-Xương. Ông đã sống trong giai-đoạn giao-thời của chữ Nho. Năm ông mới 7 tuổi (1874), Pháp ký với triều-đình Việt-Nam hòa-ước Giáp-Tuất. Theo đó, sáu tỉnh phía Nam trở-thành thuộc-địa của Pháp.
Kể từ 1882, mọi loại giấy-tờ quan-trọng ở Nam-Kỳ được viết bằng chữ Pháp, La-Tinh hay quốc-ngữ, chứ không viết chữ Nho nữa và cũng chỉ có những người biết quốc-ngữ mới được tuyển-dụng vào các cơ-quan hành-chánh công-quyền.
Rồi hòa-ước Giáp-Thân (1884) được ký. Theo-đó, Pháp bảo-hộ Trung và Bắc-Kỳ. Năm 1887, Pháp bắt-đầu mở trường dậy tiếng Pháp, nhưng vẫn để triều-đình Việt-Nam tổ-chức những khóa thi chữ Nho (Thi Hương và Thi Hội.)
Các nhà cải-cách văn-hóa, như Cụ Phan-Chu-Trinh, kêu-gọi dân-chúng mạnh-dạn bỏ chữ Nho, học quốc-ngữ vì quốc-ngữ dễ học, dễ viết và phổ-thông hơn.
Từ 1902, chữ quốc-ngữ được đưa vào các khoa thi Hương trên cả nước.
Năm 1917, thi Hương bị bãi-bỏ ở Bắc-Kỳ, rồi năm 1919 ở Trung-Kỳ. Vậy là Trần-Tế-Xương đã sống, học và bắt-đầu đi thi chữ Nho (1886) trong giai-đoạn có nhiều thay-đổi nhất của lịch-sử.
Cái học nhà Nho:
Ông Nghè, ông Thám vô mây-khói
Đứng lại văn-chương một Tú-Tài. (Xuân-Diệu)
Tú-Tài: Người tham dự thi Hương, đỗ tam trường.
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim-dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp-nhỏm ngồi.
Sĩ-khí rụt-rè gà phải cáo,
Văn-chương liều-lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?
Trình có quan-tiên thứ-chỉ tôi.
thầy Khóa: học-trò, người đi học.
tư-lương: tiền lương riêng, tiền ăn hằng ngày.
quan-tiên: người có cấp-bực cao hơn.
thứ-chỉ: dân-thường.
Chữ Nho
Nào có ra gì cái chữ nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò!
Thầy Phán: người thông-dịch.
4.Chế-diễu chế-độ khoa-cử thời Phong-Kiến::
Ông vẽ lại bức tranh thi Hương dưới thời Pháp thuộc:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi-thôi sĩ-tử vai đeo lọ,
Ậm-oẹ quan-trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân-tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
Quan Sứ: Vợ chồng Toàn-Quyền Doumer và Công-Sứ đến dự.
Giễu người thi đỗ
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!
5.Chế-diễu người trong xã-hội:
Tú-Xương đại-diện cho một xã-hội nửa phong-kiến nửa Pháp-Thuộc, một xã-hội tan-nát, băng-hoại từ trên xuống dưới.
Ông đã buồn-đau trước vận-nước vận-dân. Với giọng châm-biếm sâu-cay, thơ văn của ông đã kịch-liệt chống bọn thực-dân phong-kiến, bọn quan-lại thối-tha tay-sai cho giặc, bọn bán rẻ lương-tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm-đời lố-lăng giữa buổi giao-thời tranh tối tranh sáng. Nhưng điều đặc-biệt, thay vì “tránh đụng-chạm”, ông lại nêu đích-danh những người này ra, không “sợ” gì cả.
Ông cò
Hà-Nam danh-giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống toang đành chịu giột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ-ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to.
ông cò: cảnh-sát.
đi xia: đi ngoài.
Phường nhơ
Bấy-lâu chơi với rặt phường nhơ
Quen mắt ưa nhìn chả biết dơ
Nào sọt, nào quang, nào bộ gắp
Đứa bưng, đứa hót, đứa đang chờ
Mình hôi, mũi ngạt không kỳ quản,
Áo ấm, cơm no vẫn nhởn-nhơ
Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế,
Vẽ ông ôm đít để lên thờ.
rặt: hoàn-toàn, toàn là.
phường; bọn, tụi.
nhơ: dơ bẩn
ôm đít:ca-ngợi, khen.
Bỡn ông ấm Điềm
Ấm không ra ấm, ấm ra...nồi,
Ấm chạy lăng-quăng,ấm chẳng ngồi.
Chán cả đồ-chuyên cùng chén-mẫu
Luộc-giò, nịnh-thịt, lại đồ-xôi!
đồ-chuyên:đồ quý-giá.
chén-mẫu: chén kiểu.
Chế ông huyện Đ
Thánh cắt ông vào chủ việc thi
Đêm ngày coi-sóc chốn trường qui.
Chẳng hay gian-dối vì đâu vậy?
Bá-ngọ thằng ông biết chữ gì!
Ông huyện Đ. được cử làm chủ-khảo một kỳ thi ở trường Nam.
bá-ngọ : tiếng chửi-thề.
thằng ông: mày. tiếng khinh-bỉ.
Chửi cậu ấm
Ấm Kỉ này đây, tớ bảo này:
Cha con mày phải cái này cay!
Thôi đừng điếu-tráp nghênh-ngang nữa,
Thằng tiểu Phù-Long nó chửi mày.
ấm:con trai nhà giầu chỉ lo ăn chơi.
thằng tiểu: chú tiểu, phụ-giúp các thầy trong chùa.
Phù-Long: tên một ngôi chùa.
Đùa ông Hàn
Hàn-lâm tu-soạn kém gì ai?
Ðủ cả vung nồi, cả cóng chai
Ví phỏng quyển thi ông được chấm
Ðù cha, đù mẹ đứa riêng ai…
Khoa Canh-Tý (1900)
Hai đứa tranh nhau cái thủ-khoa
Tuân khoe văn hoạt, Nghị văn già
Khoa này đỗ rặt phường hay chữ
Kìa bác Lê-Tuyên cũng thứ ba.
văn-hoạt: văn hay
văn già: văn già-giặn: văn hay
Ông ấm Mốc
Tôi hỏi-thăm ông đến tận nhà
Trước nhà có miếu, có cây đa.
Vườn-ao đất-cát chừng ba mẫu
Nứa lá tre pheo đủ một toà.
Mới sáu bận sinh đà sáu cậu,
Trong hai dinh ở, có hai bà.
Trông ông mốc-thếch như trăng gió
Ông được phong-lưu tại nước da.
Có bản chép: Cửa hè sân ngõ chừng ba thước,
Chế ông đốc học
Ông về đốc-học đã bao lâu,
Cờ bạc rong chơi rặt một màu!
Học-trò chúng nó tội gì thế
Để đến cho ông vớ được đầu?
Đốc học: Hiệu-Trưởng Nam-Định lúc bấy giờ.
Bợm già
Thầy thầy tớ tớ, phố xênh-xang,
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc-vàng.
Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ
Khi thì thầy số, lúc thầy lang.
Công-nợ bớp-bơ hình chúa Chổm
Phong-lưu đài-các giống ông hoàng.
Phong-lưu như thế phong-lưu mãi
Điếu ống, xe dài độ mấy gang?
Sở Tuần: công-sở cấp tỉnh.
Sở Sứ: công-sở nhà-nước cấp cao nhất.
thầy Lang: Đông-Y Sĩ.
chúa Chổm: người mang nhiều công-nợ.
6.“Chất” Lãng-Mạn:
Sau cùng, Trần-Tế-Xương còn là Nhà-Thơ lãng-mạn nữa qua những bài thơ sau đây. “Chất” lãng-mạn không thể thiếu trong con-người của ông.
Áo bông che đầu
Hỏi ai, ai đó thương không?
Ðêm mưa một mảnh áo-bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu?
Áo-bông ai ướt, khăn đầu ai khô!
Người đi Tam-Ðảo, Ngũ-Hồ,
Kẻ về khóc trúc, Thương Ngô một mình.
Non-non, nước-nước, tình-tình,
Vì ai ngơ-ngẩn cho mình ngẩn-ngơ!
Tam-Ðảo, Ngũ-Hồ: cảnh tiên, cảnh đẹp (ở Trung-Quốc). Câu này nói người đã đi về nơi tiên cảnh.
Nhớ bạn phương trời
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao đang vui-vẻ ra buồn-bã?
Vừa mới quen nhau đã lạ-lùng!
Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng-tưởng,
Nỗi riêng, riêng cả đến tình-chung.
Tương-tư lọ phải là mưa gió
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.
Qua những bài thơ trên, ta thấy Trần-Tế-Xương “rất Xuân-Diệu” hay “rất T.T. Kh.” Ngoài những giọng-điệu trào-phúng, cười-cợt và phê-bình mọi người trong xã-hội, ông tỏ-ra là người có “tình-cảm.”